03/01/2025

Các dự án cửa ngõ thành phố rầm rập ‘chạy’

Các dự án cửa ngõ thành phố rầm rập ‘chạy’

Loạt dự án xóa ùn tắc các cửa ngõ TP.HCM đang cấp tập triển khai và về đích, kỳ vọng khơi thông giao thương, đột phá kinh tế sau đại dịch.
Nút giao An Sương mở cửa ngõ tây bắc vừa chính thức hoàn thành sau gần 20 năm thi công /// Ảnh: CTV
Nút giao An Sương mở cửa ngõ tây bắc vừa chính thức hoàn thành sau gần 20 năm thi công ẢNH: CTV

Mở cửa ngõ, khơi thông ùn tắc

Cách đây vài ngày, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA) đã chính thức khánh thành toàn bộ nút giao thông An Sương sau 18 năm thi công. Nút giao 3 tầng tại cửa ngõ tây bắc được đánh giá là 1 trong 6 dự án trọng điểm của TP.HCM trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
Suốt nhiều năm qua, kết nối đường bộ giữa TP.HCM với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam qua QL1 nối các tỉnh phía bắc và ĐBSCL; QL22 đi Tây Ninh, Campuchia thường xuyên ùn tắc, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, di chuyển của người dân mà còn hạn chế giao thương, cản trở phát triển kinh tế của TP. Nút giao An Sương hoàn thành và đi vào vận hành sẽ khơi thông tuyến Trường Chinh hướng đi QL22 và ngược lại, giúp người dân thoát khỏi cảnh kẹt xe triền miên, khơi thông điểm nghẽn, kết nối liên vùng phía tây bắc TP.
Trước đó ít tháng, dự án xây dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) cũng đã chính thức được khởi công ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 đợt 1 được cơ bản kiểm soát. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 830 tỉ đồng này được kỳ vọng xóa ùn tắc, khơi thông cửa ngõ phía nam của TP.HCM.
Về phía đông – khu vực đang được quy hoạch TP.Thủ Đức – cũng đang cấp tập chuẩn bị hàng loạt dự án trọng điểm. Hầm chui trên QL1 đoạn qua trước Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9) chính thức thông xe vào cuối năm 2019 đã biến đoạn đường 1,8 km (bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức và TX.Dĩ An – Bình Dương) từ điểm đen ùn tắc triền miên “lột xác” trở thành một trong những tuyến QL có lộ giới rộng nhất nước, xe cộ chạy “vèo vèo”, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại cũng như trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Theo đại diện Ban QLDA, đơn vị này đang gấp rút thúc các quận, huyện nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện các dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 và hầm chui, cầu vượt trước khu vực Bến xe Miền Đông. Tiếp đến, loạt công trình như mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2022. Giai đoạn 2023 – 2025, nhiều dự án trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2 – 3 – 4, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, nút giao An Phú… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức về trung tâm TP, đồng thời đảm bảo giao thương từ TP sáng tạo phía đông đến các tỉnh, thành lân cận.
Cùng với đó, cụm 10 dự án thành phần giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chùm dự án giảm tải khu vực Cát Lái và các dự án mở rộng cửa ngõ như QL50, QL22 cũng sẽ bắt đầu khởi công từ khoảng quý 2 – 3/2021. Song song, các dự án giải quyết giao thông trục bắc – nam như cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên, cầu Phú Định sẽ khởi công ngay trong năm sau, dự kiến giải tỏa ách tắc tại tất cả các cửa ngõ TP trong giai đoạn 5 năm tới.

Ngoài thông trong sẽ thoáng

Kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, nhận định việc các dự án liên tục chậm trễ, vắt từ nhiệm kỳ lãnh đạo này qua nhiệm kỳ lãnh đạo khác là do trong quá trình quy hoạch và đầu tư không có sự sắp xếp ưu tiên. TP đang mải giải bài toán giao thông nội đô, mở rộng, xây mới các mạng đường đô thị phía trong mà quên rằng đó chỉ là thứ yếu. Nếu bên ngoài tắc thì không thể tổ chức được giao thông nội đô thông suốt. “Trong bối cảnh hiện nay, TP không còn cách nào khác là phải dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án mở cửa ngõ, đồng thời khép kín hệ thống đường vành đai. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện”, ông Thắng khẳng định.
Đồng tình, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, bổ sung thêm: Trong bối cảnh TP đang quyết tâm xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo phía đông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại là một trong những đầu việc đầu tiên và quan trọng nhất phải làm.
HÀ MAI
TNO