24/11/2024

An Giang phấn đấu vươn lên nhóm đầu Đồng bằng sông Cửu Long

An Giang phấn đấu vươn lên nhóm đầu Đồng bằng sông Cửu Long

Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh An Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có những bước phát triển rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội.

Đột phá để phát triển

Giai đoạn 2015 – 2020, An Giang đã triển khai quyết liệt và có hiệu quả 3 khâu đột phá về đào tạo bồi dưỡng nhân lực; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư và ứng dụng khoa học – công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến góp phần giúp các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội phát triển vượt bật, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Thống kê của tỉnh An Giang, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tuy đạt mức 5,25% nhưng đó là sự phát triển vững chắc, tạo đà tiến nhanh và bền vững trong tương lai. Quy mô nền kinh tế tăng khá, đạt gần 89.400 tỉ đồng năm 2020; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 chỉ còn 1,93%. Để có những thành quả trên, các cấp lãnh đạo cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chung sức phấn đấu xây dựng quê hương.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, thăm mô hình sản xuất nếp ở H.Phú Tân, An Giang

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, thăm mô hình sản xuất nếp ở H.Phú Tân, An Giang  ẢNH: CÔNG MẠO

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Trong phát triển kinh tế của tỉnh An Giang, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng. Nét nổi bật là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” cho ngành nông nghiệp vươn lên. Tỉnh khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn và mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã giảm hơn 22.500 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái, rau màu gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong việc việc phát huy thế mạnh về du lịch, An Giang tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông để kết nối các khu, điểm du lịch. Nhiều điểm, khu du lịch nông nghiệp theo dạng homestay hình thành góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách đến với tỉnh.
An Giang xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

An Giang xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao  ẢNH: CÔNG MẠO

Cùng với thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp, An Giang cũng quan tâm triển khai thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp năng lượng tái tạo. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai tốt các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) với tổng kinh phí gần 12.000 tỉ đồng, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống người dân nông thôn. Đến nay, An Giang có 61/119 xã đạt chuẩn NTM (tăng 48 xã so với năm 2015), có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM gồm: TP.Long Xuyên, TP.Châu Đốc và H.Thoại Sơn.

Song song với chăm lo về kinh tế, An Giang đã quan tâm công tác phát triển các lĩnh vục giáo dục – y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đoàn kết tạo nên sức bật mới

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho hay những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội của An Giang trong giai đoạn qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển vững chắc. Trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, An Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm từ 6,5 – 7%. Thu nhập bình quân đạt từ 70,4 – 72,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 – 1,2% năm. Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM từ 75 – 80% tổng số xã toàn tỉnh; phấn đấu có thêm 2 huyện đạt huyện NTM. Đến giai đoạn 2025 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7 – 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt từ 112 – 115 triệu đồng/người/năm.
Một góc đô thị loại I -TP.Long Xuyên, An Giang

Một góc đô thị loại I -TP.Long Xuyên, An Giang ẢNH: PHÚ THUẬN

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu quan trọng nêu trên, An Giang tiếp tục phát huy tinh thần đồng lòng, đoàn kết của toàn Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, lấy phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh. Đồng thời xác định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển.

An Giang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách. Tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.
Bà Võ Thị Ánh Xuân cho biết tỉnh An Giang xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang trong nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước. Có 3 khâu đột phá được tỉnh xác định là: Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; Cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cùng các tầng lớp nhân dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp.
TRẦN NGỌC
TNO