05/01/2025

Xuất khẩu chạy nước rút về đích

Xuất khẩu chạy nước rút về đích

Kết quả xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng đầu năm đã “lên dây cót” tinh thần cho không ít ngành sản xuất xuất khẩu tăng tốc về đích sau khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ dự kiến đạt không dưới 12 tỉ USD trong năm nay /// Ảnh: Phạm Hùng
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ dự kiến đạt không dưới 12 tỉ USD trong năm nay ẢNH: PHẠM HÙNG
Số liệu vừa được cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8, xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 27,7 tỉ USD, tăng 2,83 tỉ USD so với tháng 7. Đặc biệt, trong một tháng, nhiều nhóm hàng XK tăng hàng trăm triệu đến tỉ USD. Kim ngạch XK tháng 8 tăng mạnh góp phần không nhỏ giúp XK 8 tháng của năm tăng 4 tỉ USD (2,3%), đạt 175,36 tỉ USD.

“Điểm sáng” nông, lâm, thủy sản

Tuy XK nông, lâm, thủy sản nói chung giảm nhẹ gần 1%, không nằm trong nhóm tăng trưởng qua báo cáo 8 tháng, song cơ cấu một số mặt hàng XK trong nhóm này lại tăng mạnh. Đơn cử, sản phẩm lâm sản chính đạt kim ngạch trên 7,8 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ tính đến hết tháng 8 đạt trị giá 7,33 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng này trong tháng 8 vừa qua đều tăng trở lại ở một số thị trường lớn như Mỹ xuất đạt trên 4 tỉ USD, tăng hơn 26%; Trung Quốc đạt 822 triệu USD, tăng 10,6%… Trước đó, trong báo cáo Bộ NN-PTNT khẳng định, nếu cố gắng cao và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng cao trị giá XK nông, lâm, thủy sản cả năm đạt kế hoạch từ 40 – 41 tỉ USD.
Riêng đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP ước tính các doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu trong hoạt động và có thể kim ngạch XK thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt từ 8,3 – 8,5 tỉ USD, tương đương với năm 2019.
Đặc biệt trong những tháng cuối năm, mức tiêu thụ hàng thủy sản thông thường đều gia tăng ở tất cả thị trường. Trong đó thị trường EU nhờ một phần thúc đẩy của Hiệp định EVFTA nên cũng đang phục hồi nhanh hơn sau dịch. Một số sản phẩm của Việt Nam sang các nước vẫn tăng bất chấp Covid-19 như con tôm chỉ trong tháng 8 xuất sang EU tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước; trong quý 2/2020 tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019 và ước tính cả năm nay sẽ tăng khoảng 7%…
“Kim ngạch XK thủy sản cả năm nay vẫn duy trì được ngang bằng năm trước nhờ đây là những sản phẩm thiết yếu. Dù 70% hàng thủy sản trên thế giới được phục vụ cho siêu thị, nhà hàng nhưng khi người dân giảm bớt hoạt động ăn uống bên ngoài thì vẫn mua về nhà chế biến nên không giảm quá mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia là nguồn cung thủy sản cho thế giới đã bị gián đoạn lâu hơn trong đại dịch Covid-19 khiến các đơn đặt hàng chuyển sang Việt Nam. Nhờ vậy, XK thủy sản của Việt Nam năm nay không kỳ vọng tăng giá nhưng sẽ giữ được số lượng như năm trước”, ông Trương Đình Hòe chia sẻ thêm.

Đạt mục tiêu 300 tỉ USD là điều “thần kỳ”

Đáng lưu ý, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác XK tăng mạnh gần 35% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất sang thị trường Mỹ tăng hơn gấp đôi với 6,17 tỉ USD, xuất sang 28 nước trong khối EU tăng 30% với 2,14 tỉ USD. Còn lại các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều tăng mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh, thông tin nhiều đơn hàng XK tăng, đặc biệt các mặt hàng phụ tùng tương đồng với thị trường Trung Quốc. Trong đại dịch tại Vũ Hán, Trung Quốc bị đứt đơn hàng, nhiều khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã quay sang mua tại thị trường Việt Nam, khiến sản xuất những mặt hàng này tăng 20%. “Tôi vừa có khảo sát các doanh nghiệp sản xuất XK trong hiệp hội, trong đại dịch, có 20% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng XK, chủ yếu giảm từ thị trường EU do nhiều nhà máy sản xuất bên đó ngưng hoạt động vì Covid-19. Tuy nhiên, đổi lại, 20% doanh nghiệp có đơn hàng tăng so với năm ngoái. Với tình hình này, chắc chắn cuối năm nay nhiều doanh nghiệp sản xuất XK phụ tùng cán đích kế hoạch. Với Công ty Đức Minh, chúng tôi dự kiến sẽ tăng 20% so với năm ngoái”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Tương tự, XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ dự kiến đạt không dưới 12 tỉ USD trong năm nay, kim ngạch XK tháng sau đều tăng hơn tháng trước và hiện đang tăng gần 10% so cùng kỳ. Theo Bộ Công thương đánh giá, những yếu tố góp phần tạo thuận lợi cho XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam là nhờ sản xuất gỗ của Việt Nam hầu như không bị gián đoạn hay ảnh hưởng bởi phong tỏa như các nước trong dịch Covid-19.
Một doanh nghiệp là thành viên Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tiết lộ, công ty đã tăng 20 – 22% lượng đơn hàng từ Mỹ nhờ đối tác chuyển mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đại diện HAWA, ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang tăng tốc để về đích sớm hơn dự tính, mặc cho Covid-19 đang gây xáo trộn các nền kinh tế thế giới. “Kế hoạch sẽ đạt 12 tỉ USD trong năm nay. Đáng lưu ý, trước đây Việt Nam XK nhóm hàng này đứng thứ 5 thế giới, năm nay sẽ lên thứ 2 là chắc chắn. Trung Quốc không phải không tốt, nhưng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa thị trường này đang giảm mạnh và Việt Nam đang vươn lên từ đây. Ngành may mắn đã không bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19”, đại diện HAWA cho biết.
Chuyên gia XK Nguyễn Thanh Lâm nhận định sẽ có nhiều nhóm hàng XK cán đích tốt trong năm nay, cho dù ảnh hưởng từ đại dịch quá lớn. Nếu đạt được mục tiêu XK 300 tỉ USD đã đề ra trước đây là việc làm “thần kỳ”. Tuy nhiên, mục tiêu xuất siêu của Việt Nam chắc chắn đạt được, thậm chí cao hơn năm ngoái.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO