10/01/2025

Nhập học ít, thí sinh đang ở đâu?

Nhập học ít, thí sinh đang ở đâu?

Điều bất ngờ là thí sinh xác nhận nhập học vào các trường đại học bằng các phương thức không xét điểm thi tốt nghiệp THPT khá thấp so với dự kiến. ‘Thí sinh trúng tuyển đang ở đâu?’ là băn khoăn của nhiều trường.
Thí sinh làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thí sinh làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM)  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Điều chỉnh tăng mạnh chỉ tiêu xét điểm thi

Năm nay tỷ lệ thí sinh (TS) trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác (học bạ, ưu tiên xét tuyển, điểm thi đánh giá năng lực) ở nhiều trường đều có xu hướng thấp hơn so với 2019. Nhiều trường đã phải điều chỉnh tăng mạnh chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp do không tuyển đủ theo các phương thức trước đó như công bố trong đề án tuyển sinh. Chính vì vậy, theo đại diện các trường, cơ hội còn nhiều cho TS đăng ký điều chỉnh nguyện vọng ở phương thức kỳ thi chung trong năm nay.
Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thông báo còn khoảng 85% tổng chỉ tiêu (tương đương gần 2.900) xét điểm thi tốt nghiệp. Như vậy, trường này chỉ tuyển được khoảng 15% chỉ tiêu bằng các phương thức trước đó, trong khi đề án công bố chỉ tiêu dành cho các phương thức này lên tới 35 – 55% tổng chỉ tiêu.

Về lý thuyết, khi các trường sử dụng càng nhiều phương thức, thí sinh có thể cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng và nhiều trường thì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo càng cao

Tiến sĩ HÀ THÚC VIÊN (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức)

Theo đề án ban đầu, Trường ĐH Mở TP.HCM dành 70% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, 30% xét điểm thi. Đến nay tỷ lệ này đổi ngược lại – với 70% chỉ tiêu xét điểm thi do tỷ lệ nhập học bằng học bạ thấp. Tỷ lệ nhập học thấp bằng phương thức học bạ, đánh giá năng lực cũng xảy ra ở nhiều trường khác.

Thí sinh ảo quá cao ?

Đại diện các trường đại học có những lý giải khác nhau về nguyên nhân TS xác nhận nhập học thấp. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng lý do chính có thể do nhiều TS chưa nắm bắt được những thay đổi trong phương án tuyển sinh của các trường trong năm nay. Bằng chứng là có không ít TS gọi điện đến trường nộp hồ sơ sau khi trường đã hoàn tất công việc này. Ngược lại với nhóm trên thì đa phần học sinh giỏi biết thông tin nộp hồ sơ lại trúng tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường nên tỷ lệ ảo cao.
Phân tích về việc này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng: “Rất có thể một bộ phận TS đã đăng ký xét tuyển ĐH các phương thức trước đó nhưng lại quyết định bỏ nhập học để theo học các trường nghề. Đến thời điểm này, một số trường cao đẳng và trung cấp nghề được nhiều TS quan tâm, đã tuyển đủ chỉ tiêu”. Một nguyên nhân khác, theo ông Nhân, có thể TS vẫn có tâm lý chờ đợi để tham gia xét tuyển bằng kỳ thi chung. Đặc biệt, năm nay nhiều TS có điểm thi cao càng có tâm lý chờ đợi.

Chờ thí sinh nhập học để điều chỉnh chỉ tiêu các phương thức

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trước khi điều chỉnh nguyện vọng, theo thống kê có 30.000 TS đăng ký xét tuyển vào trường. Trong khi đó, trường dành 65% (hơn 3.000 chỉ tiêu) cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Cũng theo thạc sĩ Dung, ở phương thức xét tuyển học bạ, trường dành 25% chỉ tiêu thì trong đợt nhập học vừa qua, trường đã tuyển được 90% số lượng. Việc có điều chỉnh, dành thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này hay không tùy thuộc vào đợt điều chỉnh nguyện vọng và nhập học lần này (dự kiến nhập học vào đầu tháng 10).

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa công bố thay đổi chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT vì số lượng TS nhập học theo phương thức học bạ chưa cao. Theo đề án tuyển sinh trường công bố trước đó, trường tuyển sinh 6.250 chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển. Trong phương thức 1 (xét kết quả thi THPT) dành 40% chỉ tiêu và 50% chỉ tiêu cho phương thứ 2 (xét kết quả học bạ THPT). 10% chỉ tiêu cho phương thức 3 (kết quả đánh giá năng lực) và phương thức 4 (tuyển thẳng hoặc cử tuyển).
Trong thông báo mới nhất, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã tăng chỉ tiêu cho phương thức 1 lên tối thiểu 70%, cao hơn 30% so với đề án trước đó. Đồng thời phương thức xét kết quả học bạ THPT được điều chỉnh thành 25% và dành 5% chỉ tiêu cho phương thức điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và tuyển thẳng.
Trước đợt điều chỉnh nguyện vọng này, số lượng TS đăng ký xét tuyển theo phương thức 1 vào trường gấp khoảng 3 lần chỉ tiêu điều chỉnh. Tuy nhiên, trường còn phải chờ TS nhập học mới biết cụ thể có điều chỉnh chỉ tiêu dành cho việc xét tuyển học bạ một lần nữa hay không.
Đăng Nguyên
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, trường đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi (theo đề án chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp khoảng 5% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên chỉ tiêu còn lại đến thời điểm này cho xét điểm thi khác nhau từng ngành tùy số TS xác nhận nhập học trước đó. Cụ thể, ngành khoa học máy tính chỉ còn chưa tới 20% chỉ tiêu, trong khi ngành tài chính kế toán ở mức 50%, ngành kiến trúc và kỹ thuật xây dựng trên 50% chỉ tiêu…
“Về lý thuyết, khi các trường sử dụng càng nhiều phương thức, TS có thể cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng và nhiều trường thì tỷ lệ TS trúng tuyển ảo càng cao”, tiến sĩ Viên nhận định.
HÀ ÁNH
TNO