09/01/2025

Kỷ luật học sinh: Cứng quá là ‘gãy’

Kỷ luật học sinh: Cứng quá là ‘gãy’

Đối diện với những khó khăn trong việc kỷ luật hay không kỷ luật, thu phục học sinh bằng cách nào, những giáo viên từng đưa sang sông nhiều ‘chuyến đò’ đã chọn cách nào?

 

Kỷ luật học sinh: Cứng quá là gãy - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Kim Anh trong một tiết dạy ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) – Ảnh: HUY TRẦN

Đối thoại của Tuổi Trẻ với cô giáo Nguyễn Kim Anh (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) từng có 11 năm dạy học ở một trường từng thu phục nhiều học sinh bị đuổi học và cô giáo Trương Thị Trị (tổng giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) xoay quanh những ứng xử với học sinh đặc biệt.

Chọn mềm mại hay chọn “gấu”?

* Từ thực tế tiếp xúc, giáo dục nhiều học sinh đặc biệt, kinh nghiệm nào cô thấy thiết thực nhất đối với người làm giáo dục khi đối diện với những học sinh “cần phải kỷ luật”?

– Cô Nguyễn Kim Anh: Khi tôi dạy học ở trường trước đây có những học sinh quậy phá, giáo viên có làm căng thì các em đó cũng chẳng sợ. Có em nói nếu trường đuổi học thì “vui vẻ” đi ngay. Vì vậy nguyên tắc số 1 mà giáo viên chúng tôi phải ghi nhớ là sử dụng “kỷ luật mềm” bởi “cứng quá là gãy”.

Cá nhân tôi rất thích câu nói của các cụ là “lạt mềm buộc chặt”. Với các học sinh tưởng rất khó dạy dỗ thì “lạt mềm” lại càng hiệu quả. Nhiều giáo viên nghĩ rằng phải thị uy, phải “gấu” thì mới át được học sinh ngỗ nghịch. Nhưng điều đó là sai lầm vì sự thị uy của mình chỉ khiến học sinh xa cách, đối phó. Thậm chí những học sinh quá cá tính có thể biến “quyền uy” của thầy, cô thành điều lố bịch.

– Cô Trương Thị Trị: Để giáo dục học sinh, giáo viên phải hiểu các em trước đã. Thế nên ở lớp tôi chủ nhiệm, tôi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tính tình của từng em. Hầu hết các hoạt động ngoại khóa tôi đều đồng hành cùng học sinh. Những dịp như vậy tôi hiểu được học sinh của mình hơn và chọn biện pháp “mềm” hay “cứng” hay phải phối hợp cả hai trong quá trình giáo dục các em.

* Các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn tình cảm, từng bị từ chối trước đây thì “lạt mềm” có thể có giá trị, nhưng với học sinh bây giờ của cô, điều đó có còn hữu dụng?

– Cô Nguyễn Kim Anh: Học sinh bây giờ khác trước nhiều. Không còn trường hợp học sinh nổi loạn, quậy phá gây nên những chuyện đình đám. Nhưng trong “thế giới ngầm” của học sinh thời nay lại phức tạp hơn, nhạy cảm hơn, bị nhiều thứ tác động hơn, nhất là thế giới mạng.

Có những học sinh không bộc lộ ra, nhưng lại lên các diễn đàn, các nhóm trên mạng để nói, làm lây lan suy nghĩ tiêu cực. Khi biết thông tin như vậy, không thể lập tức gọi học sinh rồi yêu cầu cấm làm mà phải lặng lẽ tìm hiểu để truy tìm lý do. Mỗi học sinh, mỗi tình huống cần một sự tác động khác nhau nhưng đều phải khéo léo.

Công nghệ phát triển, học sinh cũng chịu tác động từ nhiều luồng thông tin khác nhau và dễ dàng chia sẻ những thông tin tiêu cực nếu giáo viên không nắm bắt được để can thiệp đúng lúc. Bây giờ tôi lại nghĩ “lạt mềm” còn phải mềm hơn nữa. Người thầy cần tinh hơn, nhạy cảm hơn và xử lý linh hoạt khéo léo hơn.

Phải trò chuyện, nghe học sinh mắc lỗi nói trước, rồi mới nghe người khác, tìm hiểu từ kênh khác. Tránh việc chưa rõ nguyên nhân đã chụp mũ, “dán nhãn” cho học sinh. Việc này không chỉ áp dụng với học sinh đặc biệt bị xem là “hư hỏng” mà với cả các lớp học sinh bình thường bây giờ.

– Cô Trương Thị Trị: Ở thập niên 1970-1980 giáo viên có thể lấy quyền của mình để áp đặt, để yêu cầu học sinh phải nghe theo lời mình. Nhưng bây giờ không thể giáo dục học sinh theo cách đó mà phải phân tích, thuyết phục để học sinh nhận ra đúng – sai và sửa đổi.

Giáo viên ngày nay phải biết lắng nghe, phải để cho học sinh giãi bày những suy nghĩ, những ẩn ức của mình. Khi học sinh vi phạm nội quy nhà trường mà phải xuống phòng giám thị thì việc đầu tiên là tôi để cho các em nói trước. Chuyện đó có vẻ rất tiểu tiết nhưng lại quan trọng. Vì học sinh thời nay cảm thấy mình được tôn trọng, thậm chí tin tưởng thì sẽ có phản ứng tích cực.

Kỷ luật học sinh: Cứng quá là gãy - Ảnh 2.

Cô Trương Thị Trị

Thu phục học trò

* “Cứng quá sẽ gãy” nhưng nếu cứ “nhờn” thì học sinh sẽ qua mặt. Biện pháp mềm hiệu quả với học sinh này nhưng sẽ không tác dụng với học sinh khác.

– Cô Nguyễn Kim Anh: Đúng như vậy, người thầy chỉ dựa trên một số nguyên tắc chung thôi chứ không thể áp dụng y chang cách ứng xử trong trường hợp này với trường hợp khác.

“Mềm” không phải dễ dãi mà đừng cực đoan, đẩy cả thầy và trò vào chân tường. Thay vào đó là các giải pháp để tạo chuyển biến từ bên trong của học sinh. Có một cách tôi vẫn áp dụng là hướng dẫn học sinh tự xây dựng “luật” của lớp mình. Học sinh nào chạm vào “vạch cấm” thì chưa cần cô giáo nhắc cũng tự biết.

Một kinh nghiệm khác của tôi là đứng trước các tình huống học sinh phạm lỗi, tôi luôn nhắc mình phải lùi một nhịp. Bởi nếu mình mất kiểm soát, mình có thể sẽ sai lầm. Tốt nhất là cho mình một khoảng lặng để bình tĩnh, rồi nghĩ cách xử trí.

Chỉ một chuyện nhỏ là nhắn tin cho phụ huynh thời nay, tôi cũng phải tính, phải nghĩ kỹ xem chọn giờ nào để phụ huynh có tâm lý tích cực sẵn sàng phối hợp với mình. Đặc biệt là tránh gửi thông tin không tốt về học sinh vào bữa cơm tối, cha mẹ sẽ khó kiềm chế cơn nóng giận và trút luôn lên con cái thì hỏng chuyện. Đó là 1 trong 1.000 những “chuyện nhỏ” phải nghĩ nếu muốn phụ huynh “về phe mình” dạy dỗ học sinh.

* Theo các cô, để có thể thu phục học trò chứ không phải sợ hãi, đối phó thì giáo viên cần có các tố chất gì?

– Cô Nguyễn Kim Anh: Trước hết giáo viên phải khiến học sinh phục về chuyên môn, sau đó mới phục về cách ứng xử. Người thầy có lòng bao dung, tha thứ, thương yêu học sinh sẽ được học sinh quý mến. Nhưng để được nể trọng và có khả năng thu phục học sinh thì điều quan trọng nhất là phải đối xử công bằng trong mọi trường hợp.

– Cô Trương Thị Trị: Tôi vào nghề từ năm 1979 và đã có mấy chục năm dạy môn vật lý, làm chủ nhiệm trước khi làm tổng giám thị. Tôi nhận ra rằng muốn giáo dục học sinh hiệu quả trước hết người giáo viên phải giỏi chuyên môn, kế đó là tác phong, đạo đức chuẩn mực.

Khi xử lý học sinh chưa ngoan cần đặt cái “tâm” lên hàng đầu. Điều khiến nhiều học sinh mắc lỗi “xuống thang” chịu sửa đổi chính là các em nhìn thấy thầy, cô của mình không cố dồn các em đến chân tường mà luôn mở ra cho các em cơ hội để khắc phục sai lầm.

Tôi không bao giờ thấy học sinh có lỗi là phạt thẳng tay mà sau khi giải thích cho các em đúng, sai thì cho các em cơ hội thay đổi. Từng có học sinh đã ra trường kể “cứ mỗi lần nhìn thấy thuốc lá là lại nghĩ đến cô Trị nên thôi em không dám động đến nó nữa”.

Học sinh này từng phải cam kết với nhà trường không hút thuốc lá, nếu tái phạm sẽ rút hồ sơ ra khỏi trường”. Thế nhưng có lần khi tôi đang đi đường thì bắt gặp em cầm điếu thuốc đưa lên môi. Em đã rất lúng túng khi biết tôi phát hiện và luôn miệng nói xin lỗi.

Tôi chỉ nhắc lại cho em về cam kết và hỏi “muốn ở lại trường hay chuyển đi”. Dĩ nhiên là em đó muốn ở lại, tôi cho em thêm một cơ hội cuối cùng. Vì bản cam kết có thể chưa có sức nặng nhưng cơ hội tôi cho em thì có thể sẽ khiến em suy nghĩ.

Kỷ luật tích cực, trường làm trước bộ

* Các cô có quan điểm như thế nào với các biện pháp kỷ luật tích cực mới được Bộ GD-ĐT đưa vào quy định?

– Cô Nguyễn Kim Anh: Từ 20-30 năm trước khi tôi bước chân vào Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – ngôi trường “nổi tiếng” rộng cửa đón nhận cả những học sinh bị đuổi học nơi khác – tôi đã làm quen với khái niệm kỷ luật tích cực. Ở trường tôi dạy học bây giờ, học sinh mắc lỗi phải thực hiện các hình thức kỷ luật như chăm sóc vườn cây, xếp dọn thư viện… Điều đó khiến học trò có suy nghĩ tích cực hơn.

Dĩ nhiên về quy định kỷ luật thì tôi thấy vẫn cần thiết có các mức độ khác nhau để có cơ sở pháp lý trong các tình huống đa dạng. Nhưng hãy nghĩ đến các biện pháp giáo dục tích cực trước. Quy định của Bộ GD-ĐT có lẽ cũng xuất phát từ thực tiễn hay mà nhiều nhà trường đã làm được.

– Cô Trương Thị Trị: Tôi từng tự hỏi: khi mình quyết định hạ hạnh kiểm học sinh liệu có mang đến điều gì tốt đẹp cho học sinh không? Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, thay vì hạ bậc hạnh kiểm thì học sinh thực hiện khóa “rèn luyện hè”. Các em sẽ có 2-3 tuần phải vào trường trong mùa hè. Những ngày ấy học sinh phải lao động vệ sinh phòng học, sân trường… Sau đó là ôn bài và làm bài tập toán, tiếng Anh, đọc sách và viết cảm nhận về cuốn sách đã đọc… Các phiếu bài tập ấy sẽ được gửi

về cho giáo viên bộ môn chấm điểm xem có đạt hay không. Học sinh phải “đạt” mới hoàn thành khóa “rèn luyện hè”. Tôi cho rằng cách làm này có tác dụng hơn đối với việc giáo dục đạo đức học sinh.

Phạt học sinh thì dễ, dạy dỗ được mới khó

Khi còn dạy học ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), tôi nhớ từng có một đồng nghiệp do nóng nảy đã nói với học sinh “lớp này có tôi thì không có cậu”. Khi nghe được câu chuyện đó, thầy Tùng Lâm – hiệu trưởng – đã nói trong cuộc họp của hội đồng sư phạm nếu giáo viên nào đã tuyên bố như vậy thì cần rút lại. Bởi còn lặp lại điều đó thì người không còn được đứng trong lớp học là giáo viên, chứ không phải em học sinh mắc lỗi.

Quan điểm quyết liệt không bỏ mặc học sinh bất kể học sinh đó ngỗ ngược, nổi loạn thế nào đã thông suốt từ trên xuống dưới, khiến cho mỗi giáo viên chúng tôi khi đó phải trăn trở để tự trả lời cho câu hỏi của mình là ứng xử thế nào với học sinh. Phạt học sinh thì dễ, dạy dỗ được mới khó.

Cô Nguyễn Kim Anh

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG thực hiện
TTO