24/11/2024

Gạch, sữa… lội ngược dòng tăng xuất khẩu

Gạch, sữa… lội ngược dòng tăng xuất khẩu

Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nhiều ngành hàng vẫn có điểm sáng trong xuất khẩu nhờ những cách làm mới.

 

 

 

Gạch, sữa… lội ngược dòng tăng xuất khẩu - Ảnh 1.

Sữa đặc của Vinamilk đã có mặt tại các siêu thị ở Mỹ từ nhiều năm qua – Ảnh: B.H.

Bên cạnh ngành nông nghiệp, những mặt hàng như sữa, thậm chí là sỏi, thép của Việt Nam cũng đang nỗ lực xuất khẩu mạnh.

Xuất khẩu sang Nhật tăng gấp đôi

Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm gạch lát trang trí, sỏi trang trí sân vườn và các mặt hàng gia dụng xuất sang Nhật Bản của Công ty CP khoáng sản Hamico Hà Nam đạt kết quả ấn tượng khi lượng hàng xuất khẩu đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Ông Nguyễn Quang Khang, giám đốc kinh doanh của công ty này, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật trước đây đặt hàng ở Trung Quốc nay đã sang Việt Nam.

Đặc biệt là với mặt hàng sỏi trang trí sân vườn, ông Khang cho biết có đại lý đã thay thế toàn bộ các mặt hàng Trung Quốc trong cuốn catalogue bằng các sản phẩm từ Việt Nam do DN này sản xuất. Trong đó, sỏi trang trí là loại đá nhân tạo, được tận dụng từ đá vụn ở các mỏ khai thác nên mang lại giá trị xuất khẩu cao cho DN Việt dù các yêu cầu, tiêu chuẩn của Nhật Bản khá khắt khe.

Ông Khang cho rằng nếu tận dụng lợi thế, đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của khách hàng, nhiều ngành hàng Việt không chỉ đứng trước cơ hội tăng lượng hàng xuất khẩu sang Nhật thời điểm dịch mà còn đón đầu được làn sóng chuyển nhà cung ứng ra khỏi Trung Quốc của không ít DN Nhật Bản.

Sữa Việt Nam “lan tỏa” ngày càng rộng

Trong 6 tháng đầu năm, tuy nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi COVID-19 nhưng nhờ hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã ký và đang triển khai, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk cán mốc 2.451 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ 2019.

Cách đây hơn 20 năm, vào năm 1997, khi Vinamilk xuất sản phẩm sữa bột đến thị trường Trung Đông lần đầu tiên, ít ai ngờ rằng chỉ sau một thời gian ngắn, sự tin tưởng từ người tiêu dùng đã làm cho cái tên Dielac trở nên phổ biến đến mức người dân đã dùng tên “Dielac” để gọi các sản phẩm sữa bột, bột dinh dưỡng cho trẻ em nói chung.

Chia sẻ, bà Mai Kiều Liên đã có lần nói rằng tại thời điểm đó, không ai nghĩ là Việt Nam có thể xuất khẩu sữa bột trẻ em do trước đó hoàn toàn phải nhập khẩu sữa bột. Vinamilk phải vượt qua vòng kiểm tra chất lượng khắt khe của nước bạn, thậm chí một số tiêu chí còn khó hơn chuẩn quốc tế.

Sau khi chứng minh được về chất lượng và khả năng giao hàng đúng theo yêu cầu, Vinamilk đã ký được các hợp đồng xuất khẩu lớn vào thị trường này. Sữa bột hiện là sản phẩm đóng góp lớn nhất trong doanh thu xuất khẩu của Vinamilk. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến nay đạt 2,2 tỉ USD với 54 quốc gia, vùng lãnh thổ mà thương hiệu này đã đặt chân đến.

Tại thị trường Hàn Quốc, Vinamilk cũng vừa bắt tay cùng đối tác để tìm hiểu và đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả từ việc chọn sản phẩm sữa hạt cao cấp đến quyết định sử dụng kênh thương mại điện tử để xâm nhập thị trường.

Vinamilk đã trực tiếp đầu tư xây dựng kênh bán hàng này cùng với đối tác để tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu và “ứng phó” với bối cảnh giãn cách xã hội tại Hàn Quốc. Từ đầu tháng 9, sản phẩm trà sữa Vinamilk Happy cũng được bày bán rộng rãi tại 1.500 cửa hàng tiện lợi Ministop ở Hàn Quốc.

Từ Nhật Bản, một thị trường nổi tiếng khó tính và “chữ tín” gần như là tiêu chí tối thượng của các DN khi hợp tác, ông Hamada, một đối tác của Vinamilk, đánh giá: “Vinamilk là một công ty xuất sắc trong lĩnh vực xuất khẩu. Trách nhiệm cũng như sự cam kết đối với sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của họ chính là điểm nổi bật nhất khiến chúng tôi hợp tác lâu dài với công ty”.

Ngành gỗ tăng trưởng nhờ nội lực

Ông Nguyễn Chánh Phương, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng dù kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, ước tính xuất khẩu gỗ cả năm nay của Việt Nam vẫn đạt doanh số trên 12 tỉ USD.

Lý giải sự tăng trưởng, ông Phương cho rằng trước hết đó là sự chủ động đầu tư vào dây chuyền chế biến và tiếp cận thị trường. Ngành đồ gỗ nội thất phân khúc trung bình mà Việt Nam đang xuất khẩu rất lớn, đã có chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online rất mạnh mẽ. Do dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm vật dụng, sửa chữa nhà cửa tăng lên và họ dễ dàng đặt hàng qua mạng để mang tới tận nhà.

Ông Trần Việt Tiến, giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long (Lavanto Home Décor), cho rằng với việc tham gia các công ước và lấy chứng chỉ rừng bền vững, nguồn cung cấp gỗ tràm, cao su của Việt Nam đang ngày một trở nên quan trọng khi các quốc gia nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao hơn về nguồn gốc và xuất xứ của nguyên liệu.

Thép vươn lên trong cạnh tranh

Ông Kiều Chí Công – giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên – cho biết sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu 8 tháng đã vượt cả năm 2019 với trên 310.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với 8 tháng của năm 2019. Sản phẩm của hãng này đã xuất được cả sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Canada, Thái Lan, Campuchia, Lào…

Ông Công cho biết thép của Hòa Phát còn khai thác được các thị trường mới như Kenya, Ghana (châu Phi), Đài Loan, thậm chí ngược cả vào “cường quốc” thép của thế giới là Trung Quốc. Trong đó, Malaysia là thị trường có sự tăng trưởng tốt nhất, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

NGỌC AN

NGỌC HIỂN – TRẦN MẠNH
TTO