11/01/2025

Điện mặt trời trang trại không hưởng giá 8,38 cent như điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời trang trại không hưởng giá 8,38 cent như điện mặt trời mái nhà

Bộ Công thương cho rằng hệ thống điện mặt trời của trang trại với công suất trên 1MW thì không được áp dụng giá bán điện như với điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh, theo Quyết định 13.
Điện mặt trời mái nhà đang là "vấn đề nóng" thời gian qua /// Ảnh Chí Hiếu
Điện mặt trời mái nhà đang là “vấn đề nóng” thời gian qua ẢNH CHÍ HIẾU
Bộ Công thương cho rằng hệ thống điện mặt trời của trang trại với công suất trên 1MW hoặc trên 1,25 MWp, hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện như với điện mặt trời mái nhà (áp mái), theo quy định tại Quyết định 13, để hưởng giá bán 8,38 cent/kWh.
Hôm nay, 22.9, Bộ Công thương đã có công văn hướng dẫn đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) – câu chuyện đang gây tranh luận thời gian qua, nhất là với dạng điện mặt trời được lắp trên các trang trại nông nghiệp.
Bộ Công thương khẳng định, ĐMTMN là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, ít tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…
Do đó, theo Bộ này, cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Đây là cơ sở chính, quan trọng để Bộ Công thương tham mưu với Chính phủ những ưu đãi khuyến khích dành cho ĐMTMN (tương đương với 8,38cent/kWh) cao hơn hẳn so với điện mặt trời mặt đất (tương đương với 7,09cent/kWh) và điện mặt trời nổi (tương đương với 7,69cent/kWh)”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Từ đó, tại văn bản hướng dẫn vừa ban hành hôm nay, Bộ Công thương dẫn chiếu định nghĩa hệ thống ĐMTMN, cũng như dẫn chiếu khái niệm về công trình xây dựng theo các quy định của Bộ Xây dựng, đồng thời lưu ý thêm về mái nhà của công trình xây dựng “cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng”.
Đáng chú ý, về một số trường hợp vừa qua gây tranh luận như “hệ thống mặt trời có công suất không quá 1MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập”; “hệ thống mặt trời của trang trại với công suất trên 1 MW hoặc trên 1,25 MWp”; “hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35kV”, Bộ Công thương khẳng định “không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống ĐMTMN theo quy định tại Quyết định 13”.
Bộ này cũng yêu cầu EVN chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống ĐMTMN được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu (đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV).
Đối với các vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản lý thuế, hóa đơn của các đối tượng có hệ thống ĐMTMN, Bộ Công thương đề nghị EVN xin ý kiến và hướng dẫn từ Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính.
Đối với kiến nghị ưu đãi cho trường hợp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà có công suất lớn hơn 1 MW; đầm tôm, trang trại trồng trọt… có nhu cầu sử dụng chính tấm quang điện làm mái, Bộ Công thương cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất và báo cáo Thủ tướng cơ chế phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng sau năm 2020.
CHÍ HIẾU
TNO