10/01/2025

Ấn Độ trong cấu trúc an ninh đối phó Trung Quốc

Ấn Độ trong cấu trúc an ninh đối phó Trung Quốc

Đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của “bộ tứ an ninh”, Ấn Độ đóng vai trò như tiền đồn quan trọng bao quát từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông.
Khu trục hạm INS Kolkata của Ấn Độ (góc phải) trong lần tập trận chung với hải quân Mỹ, Nhật, Philippines trên Biển Đông, tháng 5.2019 /// Ảnh: PACOM
Khu trục hạm INS Kolkata của Ấn Độ (góc phải) trong lần tập trận chung với hải quân Mỹ, Nhật, Philippines trên Biển Đông, tháng 5.2019  ẢNH: PACOM
Mới đây, trong phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về việc ứng phó trước các hành vi của Trung Quốc, ông David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự cần thiết của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở, cùng với đó là bộ tứ an ninh gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc làm nền tảng. Ông Stilwell cũng đề cập đến việc Ấn Độ cần đóng vai trò lớn hơn nữa trong cấu trúc Indo-Pacific.

Cần cấu trúc an ninh mới

Trả lời Thanh Niên ngày 21.9, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Gần đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun bày tỏ quan điểm cần hình thành nhiều cấu trúc an ninh ở Indo-Pacific tương tự NATO. Và ông David Stilwell thì cho biết Washington đang phát triển các thỏa thuận mới để phối hợp với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực. Thực tế, bộ tứ an ninh sắp tổ chức hội đàm cấp ngoại trưởng vào tháng 10 tới. Và cuối năm nay, 4 nước có thể sớm có cuộc tập trận chung”.

Sự khác biệt về nhận thức

Vai trò của Ấn Độ trong Indo-Pacific có sự nhìn nhận khác nhau giữa Mỹ và Ấn Độ. Với Mỹ, Indo-Pacific bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mà trong đó thì Ấn Độ đóng vai trò an ninh ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Còn với Ấn Độ, Indo-Pacific lại tập trung vào Ấn Độ Dương. New Delhi không hoàn toàn chỉ tập trung vào vấn đề an ninh ở khu vực này, mà vẫn muốn duy trì các quan hệ thương mại, bao gồm cả với Trung Quốc. Với Ấn Độ, nước này muốn tập trung vào phát triển kinh tế, duy trì vị thế thống trị ở Ấn Độ Dương và hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo an ninh, kinh tế và tăng trưởng cho tất cả các bên trong khu vực.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada)

“Cấu trúc bộ tứ này có vai trò rất quan trọng trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Khi các nước thuộc bộ tứ này tăng cường hợp tác về quân sự sẽ giúp kiềm chế và răn đe hiệu quả những hành vi của Trung Quốc. Hiện nay, cả Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đều tăng cường khả năng tấn công từ xa. Ngay cả xét về kinh tế, công nghệ thì sự phối hợp của bộ tứ sẽ giúp nhóm này vượt trội trước Trung Quốc”, TS Nagao nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Nagao, thời gian qua, một vấn đề của bộ tứ là các nước trong nhóm vẫn cần thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. “Tuy nhiên, lợi dụng tình hình bệnh dịch Covid-19, Bắc Kinh có những hành vi đáng quan ngại với các bên đã trở thành động lực để thắt chặt quan hệ hợp tác của bộ tứ an ninh”, ông Nagao nói.

Vị thế của Ấn Độ

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 21.9, ông Gagandeep Bakshi (tướng lục quân Ấn Độ về hưu và hiện giảng dạy tại Học viện Quân sự Ấn Độ) cho rằng: “Bán đảo Ấn Độ nhô sâu vào Ấn Độ Dương nên về mặt quân sự thì có xem như một tàu sân bay không thể chìm đủ sức kiểm soát nhiều tuyến đường biển trong khu vực như eo biển Mallacca, eo biển Lombok và Sunda…”.

Mỹ, Nhật, Úc cam kết về Indo-Pacific

Ấn Độ cho Maldives vay 250 triệu USD
Đài NHK đưa tin tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua 21.9 có cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ngoài cam kết về việc thắt chặt hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cùng phối hợp để hiện thực hóa khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở, một cộng đồng quốc tế ổn định và thịnh vượng.
Thủ tướng Suga sau đó điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kyodo News dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo thảo luận về tầm quan trọng của việc hiện thực hóa tầm nhìn chung về khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở.
* Trước đó, chính phủ Ấn Độ ngày 20.9 cung cấp khoản vay ưu đãi 250 triệu USD cho Maldives để hỗ trợ đảo quốc này phát triển kinh tế. Theo AFP, khoản vay mới được cho là nằm trong nỗ lực của Ấn Độ đối phó tình trạng Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Nam Á. Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 13.8, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố với người đồng cấp Maldives Abdulla Shahid rằng New Delhi sẽ cung cấp gói tài chính 500 triệu USD để hỗ trợ Maldives thực hiện dự án xây dựng cầu đường.
Vi Trân – Văn Khoa

Bên cạnh đó, theo ông Bakshi, Ấn Độ cũng có liên kết thương mại với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, nên New Delhi cũng muốn đảm bảo sự ổn định ở các vùng biển như Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, thời gian qua, Trung Quốc trỗi dậy và có hành vi đáng quan ngại với nhiều nước trong khu vực. Vì thế, rất cần xây dựng nên một sức mạnh quân sự cân bằng ở châu Á.

“Bên cạnh bộ tứ an ninh, cần có những đối tác như Việt Nam hay một số nước ở Đông Nam Á. Đây chính là những yếu tố cốt lõi cho cấu trúc an ninh mới ở Thái Bình Dương”, tướng Bakshi đánh giá.
Thực tế, thời gian qua, Ấn Độ có chính sách hướng đông và cũng đã tăng cường hoạt động quân sự từ khu vực Ấn Độ Dương đến Biển Đông. New Delhi cũng nhiều lần điều động chiến hạm đến hoạt động tại Biển Đông nhằm nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, yêu cầu duy trì luật pháp quốc tế ở vùng biển này. Mới đây, hải quân Ấn Độ đã điều tàu chiến đến Biển Đông sau khi căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở biên giới hồi tháng 6.
Ấn Độ cùng một số đối tác đã tiến hành một số cuộc tập trận chung ở Indo-Pacific nói chung và Biển Đông nói riêng. Hồi tháng 7, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz đã có cuộc tập trận với hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Hay vào năm 2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines đã điều 6 chiến hạm tập trận chung tại Biển Đông.
Với bộ tứ an ninh, đầu tháng này, Đại sứ Nhật tại Ấn Độ và Bộ trưởng Quốc phòng nước sở tại đã ký kết thỏa thuận cung cấp hậu cần và hỗ trợ đối ứng giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản với lực lượng vũ trang Ấn Độ. Thỏa thuận này thường được gọi là “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) và không giới hạn trong quan hệ song phương. Bởi thực tế Ấn Độ đã ký thỏa thuận tương tự với Mỹ, Úc. Rồi Mỹ – Úc, Mỹ – Nhật và Nhật – Úc cũng đều đã ký ACSA song phương.
Vì vậy, việc Nhật – Ấn vừa ký ACSA đã hoàn thiện một hệ thống ACSA giữa cả 4 thành viên trong bộ tứ an ninh. Nhờ đó, New Delhi cũng có thể tăng cường hoạt động mạnh mẽ từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông và thậm chí đến biển Hoa Đông.
NGÔ MINH TRÍ
TNO