11/01/2025

TP.HCM kỳ vọng gì từ chính quyền đô thị ?

TP.HCM kỳ vọng gì từ chính quyền đô thị ?

Chính quyền đô thị hướng tới tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội.
Tổ chức chính quyền đô thị phải đi kèm hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền Ảnh: Ngọc Dương
Tổ chức chính quyền đô thị phải đi kèm hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền Ảnh: Ngọc Dương
Mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đề xuất nhằm hướng tới tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách, đặc biệt là tập trung nguồn lực tốt hơn để phát triển kinh tế – xã hội.

13 năm ấp ủ

Ngày 19.9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về đề án không tổ chức HĐND quận, phường (tên cũ là đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị – CQĐT) và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021, bao gồm đề án thành lập TP.Thủ Đức.

Sắp xếp lại đơn vị hành chính 19 phường

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021, TP.HCM sẽ sắp xếp 19 phường, gồm P.An Khánh và P.Thủ Thiêm thành P.Thủ Thiêm, P.Bình Khánh và P.Bình An thành P.An Khánh (Q.2); P.6, P.7 và P.8 thành P.Võ Thị Sáu (Q.3); P.2 và P.5 thành P.2, P.12 và P.13 thành P.13 (Q.4); P.12 và P.15 thành P.12 (Q.5); P.2 và P.3 thành P.2 (Q.10); P.11 và P.12 thành P.11, P.13 và P.14 thành P.13 (Q.Phú Nhuận).
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, cấp có thẩm quyền ở TP.HCM sẽ kiện toàn tổ chức ở đơn vị hành chính mới.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đề án tổ chức CQĐT đã được TP ấp ủ từ năm 2007, sau đó điều chỉnh bổ sung năm 2013; do cơ sở pháp lý thời điểm đó chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức CQĐT tại Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để TP.HCM thực hiện thí điểm đề án.

Theo đề án này, TP.HCM không tổ chức HĐND tại 19 quận và 259 phường trên địa bàn. Riêng trường hợp TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức thì vẫn tổ chức cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi) thì giữ nguyên mô hình như hiện nay. Khi bỏ HĐND cấp quận và phường, chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm; tương tự Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND phường do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. TP.HCM đề xuất thời gian áp dụng thí điểm mô hình mới từ ngày 1.7.2021.
Ông Phong cho biết thực tiễn 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường (giai đoạn 2009 – 2016) giúp tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách. Đặc biệt, TP.HCM nhận thấy khi không tổ chức HĐND quận, phường cũng không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. “Hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền không quá phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức HĐND cấp quận, phường”, ông Phong nhận định.

Giảm cấp trung gian sẽ bớt nặng nề bộ máy

TP.HCM kỳ vọng gì từ chính quyền đô thị ? - ảnh 1

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ở những đô thị có tốc độ phát triển nhanh như TP.HCM, việc có thêm HĐND cấp quận, phường sẽ tạo thêm một cấp trung gian, làm nặng nề bộ máy, chậm tốc độ xử lý công việc; trong khi trên thực tế, quyền hạn giao cho các cơ quan này cũng bị hạn chế. Do đó, tôi cho rằng việc tổ chức lại bộ máy CQĐT, bỏ HĐND tại cấp quận, phường như đề án mà TP.HCM trình ra là phù hợp để TP tổ chức, giải quyết công việc cho người dân nhanh, gọn hơn, giúp TP có thêm động lực xứng đáng là đầu tàu của nền kinh tế.
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Về việc lồng ghép đề án TP.Thủ Đức vào đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021, ông Phong cho biết nhằm tổ chức hợp lý hơn đơn vị hành chính, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. TP.Thủ Đức sẽ là trung tâm liên kết phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa; đồng thời là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết với diện tích rộng hơn 211 km2 và hơn 1 triệu người, TP.Thủ Đức khi thành lập sẽ đạt chuẩn đô thị loại I, dự kiến đóng góp 30% GRDP của TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước. Nơi đây sẽ được đầu tư phát triển 8 trung tâm gồm: trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ giáo dục, khu công nghệ sinh thái Tam Đa, khu đô thị tương lai Trường Thọ, khu vực Tam Đa và lân cận khu đại học Long Phước và cảng quốc tế Cát Lái.

Cần đồng bộ với các luật chuyên ngành

Đề xuất của TP.HCM  rất nên ủng hộ

TP.HCM kỳ vọng gì từ chính quyền đô thị ? - ảnh 2
Tôi nghĩ rằng, đề xuất mô hình CQĐT của TP.HCM rất nên ủng hộ. Vừa rồi, TP.Hà Nội và TP.Đà Nẵng cũng đã thực hiện thí điểm mô hình này và nhận được sự ủng hộ rất cao. Vấn đề quan trọng nhất là thực hiện chức năng giám sát của HĐND cấp quận, phường sau khi không tổ chức HĐND ở các cấp này. Tôi cho rằng, HĐND cấp TP nên được mở rộng, tăng cường các nhiệm vụ giám sát, nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm cho đại biểu HĐND cấp TP để thực hiện các nhiệm vụ này. Như vậy, bộ máy vừa tinh gọn, giảm được chi tiêu ngân sách mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội
Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận xu hướng trên thế giới đối với đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền; còn ở nông thôn thì có 2 cấp chính quyền địa phương. Ở nước ta, trong điều kiện chưa kịp sửa đổi trong Hiến pháp; luật Tổ chức chính quyền địa phương mới sửa đổi năm 2019 cũng quy định mỗi cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; còn các nội dung khác sẽ do Quốc hội xem xét quyết định. “Đây là cơ sở pháp lý rất thuận lợi để TP.HCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường theo hướng CQĐT”, ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn nhận định trong điều kiện hiện nay ở TP.HCM, đề án không tổ chức HĐND quận, phường có liên quan đến đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; bao gồm thành lập TP.Thủ Đức. Bản chất việc này cũng là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, bởi TP.Thủ Đức sau khi thành lập cũng là đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, trong đề án không tổ chức HĐND quận, phường thì TP.Thủ Đức vẫn là một cấp chính quyền, bao gồm HĐND và UBND. Do đó, ông Tuấn đề nghị TP.HCM cân nhắc việc có nên tổ chức một cấp chính quyền ở TP.Thủ Đức hay là đưa vào đề án không tổ chức HĐND quận, phường để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau.

Nên có luật về chính quyền đô thị

TP.HCM kỳ vọng gì từ chính quyền đô thị ? - ảnh 3
Các TP lớn đều xin thí điểm các cơ chế đặc thù, xây dựng CQĐT. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng một luật CQĐT để áp dụng cho các TP trực thuộc T.Ư hay những nơi đáp ứng các điều kiện để ứng dụng mô hình CQĐT này, nếu như đây là mô hình có hiệu quả trên thực tế? Nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến một hội chứng, đó là hội chứng xin “cơ chế đặc thù”. Do đó, tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ cũng nên nghiên cứu, xem xét về chủ trương này.
Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng Quốc hội
Lê Hiệp (ghi)

Ngoài ra, đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường cũng có nhiều điểm khác với quy định hiện hành trong luật Cán bộ, công chức và luật Ngân sách nhà nước nên ông Tuấn đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, luận giải để tăng tính thuyết phục khi trình Chính phủ, Quốc hội. Mặt khác, TP.HCM cũng cần có phương án, kế hoạch giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Lý giải về việc TP.Thủ Đức có quy mô lớn, ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên tổ biên soạn đề án thành lập TP.Thủ Đức, thông tin khu vực này trước đây là H.Thủ Đức, tương đối độc lập về hạ tầng so với khu trung tâm nên TP.HCM xác định có thể thành lập đô thị có tính chất toàn vẹn chứ không chỉ dừng lại là bộ phận của đô thị như các quận khác.
SỸ ĐÔNG
TNO