Được phép dùng điện thoại thông minh trong giờ học: Học sinh nói gì?
Được phép dùng điện thoại thông minh trong giờ học: Học sinh nói gì?
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, một trong những điểm mới được quy định là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập…
Lý giải về điều này, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Theo ông Hồng, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng để phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy. Vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là rất cần thiết.
Rất cần… nhưng phải kiểm soát
Bạch Phương Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Theo em, chúng ta đang hướng thế hệ trẻ phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học tập để nâng cao hiệu quả, giảm bớt thời gian vào những công việc thủ công, không cần thiết. Chính vì vậy, nếu học sinh được phép dùng điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học thì đó là một điều rất tốt, khuyến khích sự tìm kiếm thông tin, nâng cao tính tự học”.
Tuy nhiên, cũng theo Phương Anh, đối với những học sinh chưa ý thức, dùng điện thoại để giải trí trong giờ học là một hướng tiêu cực. “Quan trọng là nhà trường và phụ huynh chỉ dẫn học sinh biết cách sử dụng điện thoại thông minh phục vụ cho việc học một cách hiệu quả nhất”, Phương Anh nói.
Lê Ánh Dương, học sinh Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Ở nhà em cũng có điện thoại thông minh và mỗi khi học những bài học liên quan em cũng hay dùng điện thoại để vào Google tra cứu. Vì vậy, em nghĩ việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ cho việc học sẽ tốt hơn”.
Dễ gây tác dụng ngược?
Nhiều học sinh cho rằng việc được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập là không cần thiết và dễ gây tác dụng ngược khi giáo viên không thể nào kiểm soát hết được học sinh của mình đang sử dụng điện thoại với mục đích gì.
Nguyễn Phương Uyên, học sinh Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ: “Dù không phủ nhận điện thoại có nhiều mặt tích cực, nhưng áp dụng việc dùng điện thoại vào giờ học thì em thấy có nhiều vấn đề bất cập. Em thật sự thấy không quá cần thiết vì môi trường học tập cần có những quy định, kỷ luật riêng. Việc mang điện thoại và sử dụng trong giờ học sẽ khó cho giáo viên khi kiểm soát rằng em nào đang phục vụ việc học, tìm tài liệu, em nào đang làm việc riêng như chơi game, lướt Facebook…”.
Uyên cũng phân tích thêm, nếu để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp sẽ có những tình huống đi kèm như lơ là việc học, chơi game, nhắn tin qua lại với nhau hay các bạn có thể lạm dụng mạng để tìm bài giải sẵn mà không chịu học tập, tìm tòi và trao đổi với giáo viên nữa.
“Dần dần em thấy dễ dẫn đến tình trạng điện thoại hóa ở môi trường học đường. Quá trình giao tiếp, trao đổi giữa giáo viên và học sinh sẽ trở nên xa cách hơn…”, Uyên thẳng thắn bày tỏ.
Cũng giống Uyên, Đào Đình Đức, học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM, cho rằng việc sử dụng điện thoại trong lớp là không cần thiết lắm vì nhiều khi còn gây ra tác dụng ngược.
“Đã 12 năm học thì em thấy việc đi học và tiếp thu kiến thức mới mà không dùng điện thoại trên lớp không có gì khó khăn cả. Vì thế, em nghĩ việc dùng điện thoại trong lớp học là không cần thiết mà ngược lại dễ gây sao nhãng việc học của học sinh hơn”, Đức bày tỏ.
Không những thế, Đức còn chia sẻ thêm: “Em thấy nếu áp dụng quy định này thì giáo viên sẽ rất khó quản lý. Một lớp xấp xỉ 40 bạn suy ra 40 chiếc điện thoại, không thể biết được là học sinh đó có đang dùng cho việc học hay là không vì chỉ 1 lần chuyển “cửa sổ” là qua 1 ứng dụng khác rất nhanh. Chưa kể là với mấy em học THCS ý thức chưa cao thì càng nguy hiểm hơn nữa”.
Còn Đặng Thị Thơm, học sinh Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) thì cho biết thật ra trước giờ vẫn có giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, như để chụp bài, hay xem đề trên điện thoại. Nhưng đôi khi giáo viên không kiểm soát được hết vẫn có học sinh chơi game hay lướt Facebook.
“Đối với em thì việc sử dụng điện thoại trong lớp sẽ có 2 mặt. Tiện ích cũng có và tác hại cũng có. Về tiện ích thì có thể kể đến như chụp, quay lại bài giảng để tiết kiệm thời gian đẩy nhanh tiến trình học tập. Nhưng hại thì rất nhiều vì có thể làm phân tâm, sao nhãng trong quá trình học tập. Bởi học sinh có thể qua mặt giáo viên một cách dễ dàng, giáo viên cũng không thể theo sát từng học sinh để quản lý việc sử dụng điên thoại được”, Thơm chia sẻ.
LÊ THANH- NỮ VƯƠNG
TNO