15/01/2025

Bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH: Làm gì để tăng cơ hội đậu đại học?

Bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH: Làm gì để tăng cơ hội đậu đại học?

Từ hôm nay 19-9, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học nếu có nhu cầu. Nên điều chỉnh nguyện vọng ra sao để tăng cơ hội đậu đại học?

 

Bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH: Làm gì để tăng cơ hội đậu đại học? - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh trước khi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 18-9 là hạn chót để các trường đại học điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đây là cơ sở để thí sinh có thông tin điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Thêm nguyện vọng phải điều chỉnh bằng phiếu

Quy chế quy định thí sinh chỉ được sử dụng một trong hai phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển khi điều chỉnh nguyện vọng. Các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.

Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến: từ ngày 19-9 đến 17h ngày 25-9 và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển: từ ngày 19-9 đến 17h ngày 27-9.

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết với phương thức điều chỉnh trực tuyến, chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự thi. Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong đăng ký dự thi.

“Thí sinh nếu có sai sót về khu vực, đối tượng cần sửa đổi thì bắt buộc phải sử dụng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển để điều chỉnh và nộp tại điểm tiếp nhận hồ sơ…

Trường hợp thí sinh điều chỉnh tăng số nguyện vọng so với đăng ký ban đầu phải nộp phí đối với số nguyện vọng tăng thêm. Thí sinh điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm nhận hồ sơ” – ông Hạ lưu ý.

TS Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng có nhiều lý do để thí sinh cần điều chỉnh nguyện vọng: điểm thi cao/thấp hơn dự kiến; chưa tìm hiểu kỹ về ngành/chương trình đã đăng ký; bị sót thông tin về các ngành/chương trình hiện có; thay đổi dự định học tập. Đặc biệt, năm nay có cả lý do vì dịch COVID-19 nên nhiều thí sinh gác lại kế hoạch du học…

“Do vậy việc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, trường mà mình thích nhất. Bên cạnh đó, việc đặt thứ tự nguyện vọng chính xác cũng đảm bảo cho thí sinh cơ hội đậu vào các ngành gần, phù hợp với năng lực” – ông Khoa khẳng định.

Làm sao xác định nguyện vọng đạt hiệu quả?

Theo ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, để xác định nguyện vọng đạt hiệu quả, ngoài dựa vào mức điểm đã đạt, thí sinh cần so sánh với tương quan điểm thi chung, tương quan điểm trúng tuyển các năm trước của các ngành, trường dự kiến đăng ký xét tuyển để có lựa chọn phù hợp. Điểm trúng tuyển cụ thể từng ngành, trường cao hay thấp còn phụ thuộc vào điểm thi của các thí sinh cùng đăng ký xét tuyển.

Còn ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – marketing, cho hay hiện nay có thể nhiều thí sinh thấy điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên lo lắng, sốt ruột muốn điều chỉnh nguyện vọng.

“Theo tôi, nếu các em đã xác định kỹ ngành học yêu thích, mức điểm không thấp hơn điểm chuẩn năm trước thì không cần thiết phải điều chỉnh nguyện vọng. Cách thức xét tuyển năm nay nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét tiếp các nguyện vọng tiếp theo thứ tự thí sinh đã đăng ký, thí sinh sẽ được xét bình đẳng với các thí sinh khác ở trường đăng ký nguyện vọng 2.

Việc xét tuyển căn cứ vào điểm thi của thí sinh chứ không phải thứ tự nguyện vọng của các thí sinh trong cùng một ngành. Nếu trước đây các em đăng ký ngành chưa yêu thích thì nay có thể điều chỉnh hoặc nếu chưa tự tin với mức điểm của mình thì có thể đăng ký thêm một số nguyện vọng nữa ở các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển” – ông Châu khuyên.

Chỉ còn khoảng 57% chỉ tiêu xét điểm thi THPT

Theo TS Phạm Như Nghệ – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT, số liệu các trường công bố năm nay cho thấy chỉ tiêu dành cho xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vào đại học giảm mạnh, chỉ còn gần 57%, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức khác tăng lên hơn 43% (các năm trước tỉ lệ này trên 72% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT, gần 28% cho phương thức khác).

“Kết quả điểm tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT 2020 đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019. Chính vì vậy, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ khá căng thẳng, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng nhiều so với năm 2019, đặc biệt là các ngành y dược, công an, quân đội và các ngành hot… khả năng tăng 2-3 điểm” – ông Nghệ nói.

TRẦN HUỲNH
TTO