16/01/2025

Khó quản chất lượng bánh trung thu?

Khó quản chất lượng bánh trung thu?

Trong khi thị trường bánh trung thu năm nay khá ảm đạm, các loại bánh “nhà làm” vẫn sôi động trên các trang bán hàng online, mạng xã hội nhờ giá rẻ cùng với những cam kết “có cánh” như không chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh…

 

Khó quản chất lượng bánh trung thu? - Ảnh 1.

Các kiểu bánh trung thu “nhà làm” dễ dàng tìm thấy trên các trang bán hàng online, mạng xã hội – Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh trung thu (bánh nướng) và bánh dẻo vừa được Bộ KH&CN ban hành, trong đó quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng các mặt hàng này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng rất khó quản chất lượng các loại bánh, nhất là bánh “nhà làm” do các cơ sở tự công bố và chịu trách nhiệm.

Bánh “nhà làm” rẻ như… bèo

Thị trường bánh trung thu năm nay đã qua nửa chặng đường với sức mua khá dè dặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu bánh quen thuộc, các dòng bánh trung thu “nhà làm”, được quảng cáo là sản xuất thủ công, không chất bảo quản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Tại một địa chỉ quảng cáo bánh trung thu “nhà làm” ở TP.HCM, chúng tôi được nhân viên bán hàng giới thiệu đây là loại bánh tươi, có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ làm (thủ công) khi có người đặt…

Tuy vậy, khi chúng tôi yêu cầu cần gấp khoảng 300 cái bánh, nhân viên này cho biết có thể giao hàng ngay trong ngày, nhưng từ chối ghi thông tin cơ sở trên vỏ hộp bánh.

Một trang mạng có tên “bánh trung thu nhà làm…” đã thu hút cả nghìn người quan tâm với quảng cáo “bánh có nguyên liệu tự nhiên không hóa chất”, nhưng giá bán chỉ từ 10.000 – 30.000 đồng/cái tùy loại, thậm chí giảm thêm 20 – 30% nếu mua với số lượng lớn.

Tuy nhiên, người bán cho biết chỉ làm vào mùa bánh trung thu nên không có giấy chứng nhận ATVSTP, đồng thời từ chối cung cấp thông tin về cơ sở làm bánh.

Chị Quyên, chủ một gian bánh handmade nhỏ trên mạng xã hội, cho biết bánh trung thu “nhà làm” có lợi thế đáp ứng theo yêu cầu từng khách như điều chỉnh khẩu vị ngọt ít hay nhiều, nhân bánh có thể thêm bớt theo sở thích…

Tuy vậy, sức mua năm nay chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. “Mùa Trung thu năm nay không còn những đơn hàng lớn, ngoài lý do dịch bệnh, nhiều người dùng cũng nghi ngại về chất lượng bánh nhà làm”, chị Quyên thừa nhận.

Theo thừa nhận của chị Phương (người bán bánh trung thu “nhà làm”), dù có quy định cơ sở hay cá nhân làm bánh trung thu để kinh doanh phải có giấy phép ATVSTP và phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhưng các lò bánh “nhà làm” đều không thể đáp ứng các yêu cầu này mà chỉ thuyết phục khách mua với cam kết bằng… uy tín.

Khó quản chất lượng bánh trung thu? - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng kinh doanh bánh trung thu vắng khách, buôn bán ế ẩm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 – Ảnh: NG.TRÍ

Vẫn khó quản bánh “nhà làm”

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận kinh doanh bánh trung thu có biên lợi nhuận cực lớn, có thể lên đến 35 – 40%, nên thị trường này là miếng bánh mà ai cũng muốn nhảy vào, từ các tiệm bánh, tiệm cà phê đến những nhà hàng, quán ăn…

Trong đó, với những loại bánh trung thu “nhà làm” có giá rẻ, không nhiều khách hàng quan tâm đến các tiêu chuẩn chất lượng hay vấn đề ATVSTP.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu có quy mô lớn ở TP.HCM cho biết bánh trung thu có đặc thù là bánh tươi, có những công đoạn phải sử dụng bằng tay nên quá trình sản xuất phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện ATVSTP từ nhà xưởng.

Chẳng hạn, nguyên liệu sản xuất được quy định chặt chẽ theo giờ, sau thời gian này phải đổ bỏ chứ không sử dụng. “Với những đòi hỏi cao như vậy, bánh trung thu nhà làm hay sản xuất theo mùa vụ với quy mô nhỏ khó đáp ứng được”, vị này nói.

Theo bà Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng và tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, những nguyên liệu chính để sản xuất bánh trung thu như các loại hạt, trứng, sữa, ngũ cốc rất dễ bị nhiễm khuẩn và nấm mốc. Do đó, chất lượng bánh trung thu rất dễ bị ảnh hưởng nếu không được sản xuất và bảo quản tốt.

Trong thực tế, theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, vi phạm phổ biến nhất với bánh trung thu “nhà làm” là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận ATVSTP, dù có quy định muốn bán buôn các loại bánh trung thu “nhà làm” phải tự đăng ký chứng nhận ATVSTP và có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Cũng theo vị này, cơ quan chức năng đang kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận ATVSTP đối với điểm bán bánh trung thu, trong đó tập trung kiểm tra các quầy sạp kinh doanh, các loại bánh trung thu nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, những loại bánh trung thu nào không có nguồn gốc sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử phạt.

“Nhưng với bánh trung thu nhà làm, công tác kiểm tra gặp khó khăn do muốn kiểm tra nơi cư trú cũng là nơi sản xuất phải có quyết định của UBND quận, kèm chữ ký của chủ tịch quận. Do đó, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng mới có thể giám sát chất lượng các loại bánh này”, vị này nói.

Sức mua giảm mạnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng cửa hàng kinh doanh bánh trung thu tại TP.HCM đã giảm mạnh, chưa bằng 50% so với năm ngoái, sức mua cũng rất thấp.

Dọc các cung đường như Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) hay Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận)… không khó để nhận ra không khí mua bán bánh trung thu năm nay khá ảm đạm.

Anh Hùng, chủ 4 cửa hàng bánh trung thu tại khu vực đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), cho biết sức mua bánh trung thu năm nay chỉ bằng 30 – 40% so với cùng thời điểm này năm ngoái, một số loại bánh thậm chí bán không được do giá cao.

“Gần đến Trung thu rồi nhưng sức mua quá yếu nên tôi không dám nhập thêm bánh như mọi năm, chắc phải giảm giá sớm nhằm đẩy bánh đi được phần nào hay phần đó” – anh Hùng cho biết.

Theo chị Nga – chủ 2 cửa hàng bán bánh trung thu trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), mỗi ngày chỉ có khoảng 25 khách vào mua, chỉ bằng 30% so với năm ngoái. Nhưng do được phép trả bánh tồn lại cho công ty theo cam kết tại hợp đồng nên chị vẫn cố “cầm cự”.

Cơ sở kinh doanh tự công bố và tự chịu trách nhiệm

Các bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) vừa được Bộ KH-CN công bố, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất có kênh tham chiếu chất lượng sản phẩm.

Chẳng hạn, với bánh nướng và bánh dẻo, nguyên liệu đường phải đáp ứng các quy định trong TCVN

6958 hoặc TCVN 7968, bột mì đáp ứng quy định trong TCVN 4359, dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018. Các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ heo, các sản phẩm thịt…) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Ông Nguyễn Huy, chuyên gia tiêu chuẩn của dự án hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập, cho biết bộ TCVN mới sẽ trở thành kênh tham khảo cho các nhà sản xuất bánh trung thu của đơn vị mình có đáp ứng hoặc phù hợp với TCVN hay không để điều chỉnh và công bố phù hợp.

“Việc tuân thủ theo bộ TCVN mang tính chất tự nguyện, có vai trò định hướng về mặt chất lượng sản phẩm cũng như an toàn cho người sử dụng. Doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm với công bố của mình” – ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, ngoài các bộ TCVN, việc sản xuất bánh trung thu còn bị chi phối bởi nhiều quy định khác như quy định về nhiễm bẩn, vi sinh trong thực phẩm hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu nhân bánh có sử dụng rau củ quả…

Với bánh trung thu “nhà làm”, nếu các cơ sở hay tư nhân muốn kinh doanh cũng phải đáp ứng các yêu cầu nhất định, trong đó có giấy chứng nhận ATVSTP và giấy đăng ký kinh doanh.

N.BÌNH – N.TRÍ
TTO