Dịch COVID-19 ngày 18-9: Đổ xô xét nghiệm miễn phí, chỉ 24 giờ Pháp thêm 10.000 ca mới
Dịch COVID-19 ngày 18-9: Đổ xô xét nghiệm miễn phí, chỉ 24 giờ Pháp thêm 10.000 ca mới
Một loạt nước châu Âu đang áp đặt các biện pháp ứng phó mới sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục. Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại châu Âu cảnh báo các nước không nên giảm thời gian cách ly người có nguy cơ lây nhiễm.
Chính phủ Pháp miễn phí xét nghiệm, số ca nhiễm mới tăng vùn vụt
Bộ Y tế Pháp ngày 18-9 cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận 10.593 ca nhiễm SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Sự gia tăng này diễn ra sau khi Chính phủ Pháp quyết định miễn phí các xét nghiệm COVID-19.
Điều này khiến người dân Pháp đổ xô đi xét nghiệm, tăng áp lực lên các nhân viên y tế khiến hàng trăm người thuộc một công đoàn tức giận đình công để phản đối tình trạng làm việc tồi tệ và áp lực.
Hãng tin Reuters mô tả hàng dài người đã xếp hàng tại các trung tâm xét nghiệm trên khắp nước Pháp. Số lượng xét nghiệm cao gấp 6 lần trong đợt bùng phát dịch đầu tiên.
12 triệu người Nam Phi có thể đã nhiễm SARS-CoV-2
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ước tính có khoảng 20% dân số Nam Phi, tức khoảng 12 triệu người, có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 ở dạng này hoặc dạng khác. Một số lượng đáng kể mẫu máu lấy ngẫu nhiên từ các khu dân cư cho thấy có kháng thể SARS-CoV-2, đồng nghĩa ai đó đã bị lây nhiễm và cơ thể tự sản sinh miễn dịch rồi khỏi bệnh mà chính quyền không biết.
Một số chuyên gia Nam Phi tin rằng nước này đang tiến tới miễn dịch cộng đồng mà không cần vắc xin. Tuy nhiên, ông Mkhize cảnh báo vẫn còn xa để đạt được mục tiêu đó bởi phải cần ít nhất 70 – 80% dân số miễn dịch với virus. Thêm vào đó, đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa biết khả năng miễn dịch SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong bao lâu.
WHO cảnh báo không giảm thời gian cách ly
Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge, ngày 17-9 cảnh báo các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm ngay cả khi phải chịu áp lực từ dư luận.
Ông Kluge nhấn mạnh các nước chỉ nên giảm thời gian cách ly tiêu chuẩn hai tuần nếu nó được chứng minh về mặt khoa học. Ông đề nghị triệu tập các cuộc thảo luận khoa học về vấn đề này, nếu cần.
“Chỉ cần giảm một chút thời gian cách ly cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự lây lan của virus, vốn đang trở lại tỉ lệ lây nhiễm đáng báo động ở châu Âu trong tháng này”, giám đốc WHO châu Âu cảnh báo.
Cộng hòa Séc đã bắt đầu áp lệnh đeo khẩu trang bắt buộc với tất cả học sinh và đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ giải trí sau nửa đêm trong nỗ lực ứng phó COVID-19. Các hoạt động tập trung trên 10 người cũng bị cấm.
Tại Bỉ, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày là trên 800 ca khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Pháp, nước láng giềng của Bỉ, hồi tuần trước đã giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày và miễn phí xét nghiệm COVID-19.
Vắc xin tiềm năng của Mỹ tăng tốc về đích
mRNA-1273, vắc xin do hãng dược Moderna của Mỹ phát triển, đang tăng tốc việc thử nghiệm và để ngỏ khả năng tuyên bố cán đích sớm nếu tỉ lệ hiệu quả ít nhất 70%.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Stephane Bancel, một giám đốc điều hành của Moderna, cho biết nếu xét thấy tỉ lệ an toàn và hiệu quả cao trên 70%, công ty này sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp.
Khi đó vắc xin của Moderna sẽ được ưu tiên cho các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao trước khi tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, có vắc xin hiệu quả là một chuyện, tiêm được cho bao nhiêu người để tạo ra mức độ an toàn là chuyện khác. “Nếu số người được tiêm quá ít, sẽ chẳng có bao nhiêu sự khác biệt”, ông Fauci cảnh báo.