15/01/2025

‘An ninh năng lượng đang phụ thuộc lớn nhất vào nhiệt điện than’

‘An ninh năng lượng đang phụ thuộc lớn nhất vào nhiệt điện than’

Đã có hơn 5.000 MW công suất lắp đặt từ điện mặt trời, chiếm tới 9,5% toàn hệ thống. Song nguồn điện đảm bảo vận hành an toàn hệ thống vẫn chủ yếu vào các nguồn truyền thống, chủ yếu là nhiệt điện than.

 

An ninh năng lượng đang phụ thuộc lớn nhất vào nhiệt điện than - Ảnh 1.

Nguồn điện năng lượng tái tạo dù đã tăng tỉ lệ về công suất lắp đặt nhưng sản lượng điện cung ứng vẫn khiêm tốn – Ảnh: TỰ TRUNG

Thông tin được nêu ra tại diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương tổ chức sáng 20-9.

Việc phát triển hệ thống điện giai đoạn 2011-2020 cơ bản đáp ứng an ninh năng lượng, cung cấp điện cải thiện mạnh mẽ về chỉ số điện năng, chất lượng điện, độ tin cậy.

Song theo ông Lê Hải Đăng, trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc chậm tiến độ các nguồn điện truyền thống công suất lớn khiến dự phòng hệ thống suy giảm, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia trong trường hợp đột biến tăng trưởng phụ tải.

Đáng chú ý, ông Đăng cho rằng an ninh năng lựơng hiện nay đang phụ thuộc lớn nhất là nguồn nhiệt điện than, do đây là nguồn điện ổn định và chi phí giá thành phù hợp. Thực tế, mặc dù hệ thống điện mặt trời đưa vào vận hành đạt trên 5.000 MW nhưng sản lượng huy động được lại chỉ tương đương nhà máy 1.200 MW.

“Nhiệt điện than huy động với biểu đồ tương đối bằng phẳng theo sự chủ quan của hệ thống. Điện mặt trời thì huy động từ 6h sáng và đạt đỉnh vào 12h trưa, nên mức độ tăng giảm mạnh, thông thường chỉ đạt 1.000 – 15000 MW. Do đó, để tăng dần tỉ lệ năng lượng tái tạo vào hệ thống phải có giải pháp kỹ thuật” – ông Đăng cho hay.

Chưa kể, điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương, gây khó khăn trong truyền tải công suất. Vì vậy để đảm bảo giải tỏa công suất, vận hành hệ thống ổn định, EVN đã phải tập trung gấp các công trình lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận; thuê tư vấn nghiên cứu giải pháp kỹ thuật khi tăng cường nguồn năng lượng tái táo trong hệ thống điện; tự động điều chỉnh công suất để khai thác tối đa theo khả năng tải của đường dây, mua thêm dịch vụ dự báo…

Ông Đinh Thế Phúc, vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ủy ban quản lý vốn nhà nước), cũng cho rằng trước nhu cầu chuyển dịch năng lượng, các chính sách đi kèm đã thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh trong giai đoạn qua. Tuy vậy, tỉ trọng sản lượng điện từ các nguồn điện gió, điện mặt trời mặc dù tăng mạnh từ 0,79 tỉ kWh vào năm 2018 lên 6,10 tỉ kWh vào năm 2019, tăng gấp 7,7 lần, nhưng cũng chỉ chiếm 2,64% sản lượng sản xuất và mua.

Do đó, theo ông Phúc, cần triển khai Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng để đảm bảo tính đồng bộ, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Theo đại diện Bộ Công thương, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo bền vững hơn, chính sách cần tập trung vào phát triển hạ tầng truyền tải, điều độ vận hành hệ thống điện. Đặc biệt tới đây, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Trong đó, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch cũng như sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện tái tạo và lưới truyền tải.

NGỌC AN
TTO