10/01/2025

Mạnh tay với vấn nạn xâm phạm kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm

Mạnh tay với vấn nạn xâm phạm kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm

Hàng loạt vụ phát hiện và xử lý hàng nhái, hàng giả hay xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên trên thị trường.

Bia SAIGON VIETNAM bị khởi tố

Căn cứ vào hồ sơ chuyển giao từ Cục QLTT Bà Rịa – Vũng Tàu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với BIA SAIGON VIETNAM xảy ra tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, đại tá Nguyễn Huy Cương, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vừa ký ban hành Quyết định số 85/QĐKTVA-CSKT, khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” gửi đến Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Gần 5.000 thùng BIA SAIGON VIETNAM bị phát hiện tại Bà Rịa

Gần 5.000 thùng BIA SAIGON VIETNAM bị phát hiện tại Bà Rịa TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (trụ sở TP.HCM) hợp tác với cơ sở sản xuất bia BiVa để sản xuất bia mang nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Điều này được xác định là “có dấu hiệu tội phạm Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2, điều 226 Bộ luật hình sự; căn cứ điều 36, điều 143, khoản 1, điều 153, điều 154 Bộ luật TTHS”.

Trước đó, căn cứ đơn đề nghị của chủ thể quyền và hồ sơ kèm theo, ngày 23.6.2020, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục Quản lý thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất bia BiVa – địa chỉ ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Vũ Tuấn Châu làm chủ cơ sở. Kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM, 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy các tông) có dấu hiệu xâm phạm quyền đã được bảo hộ của Sabeco và đã chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo điều tra, công ty BiVa có hợp đồng gia công sản phẩm bia cho Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian xác minh và kết luận từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, lượng hàng được gia công trên có hình thức giống với sản phẩm của Sabeco được xác định là “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với Sabeco.
Theo đó, ngoài số lượng bia tại cơ sở Biva, cơ quan chức năng xác minh có thêm khoảng 600 thùng BIA SAIGON VIETNAM được tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước. Với giá trị hàng hóa vi phạm được xác định có tổng giá trị hơn 500 triệu đồng, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án.

Hành vi cố tình xâm phạm

Theo quy định tại điều 226 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500 triệu đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Riêng đối với doanh nghiệp phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 5 tỉ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm; Hoặc bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Đây là vụ khởi tố hình sự thứ 2 từ đầu năm đến nay liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Trên thực tế, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục kiểm tra, phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái từ bao bì đến nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp nhưng ước tính có đến 99% chỉ xử phạt hành chính. Chính vì vậy vấn nạn này vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Do đó nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần phải tăng cường xử phạt hình sự để răn đe, ngăn chặn các hoạt động cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành sản xuất Việt Nam nói chung.
 BIA SAIGON VIETNAM bị khởi tố hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

BIA SAIGON VIETNAM bị khởi tố hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp  TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

AN YẾN

TNO