12/01/2025

Lo ngại doanh nghiệp ‘chết’ trên đống tài sản

Lo ngại doanh nghiệp ‘chết’ trên đống tài sản

Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong khi hàng tồn kho gia tăng càng khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bi kịch “chết” trên đống tài sản.
Hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp đang tăng mạnh /// Ảnh: Nguyên Nga
Hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp đang tăng mạnh ẢNH: NGUYÊN NGA

“Ôm” hàng chờ phá sản

Câu chuyện doanh thu và lợi nhuận kéo nhau đi xuống còn hàng tồn kho tăng mạnh đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN), ngành nghề khác nhau. Thậm chí với các DN nhỏ, tình trạng này kéo dài khiến họ phải đóng cửa, ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty hạt điều Hải Bình (Gia Lai), cho biết trước dịch, trung bình mỗi ngày công ty bán hàng qua kênh siêu thị, điểm du lịch khoảng 100 triệu đồng, nay cao nhất chỉ bán được 10 – 15 triệu đồng. Còn mùa cách ly, một ngày thậm chí không bán được đồng nào.
“Chúng tôi đóng cửa nhà máy, ngưng hoạt động cũng gần 6 tháng nay. Vì hàng bán chủ yếu phục vụ du lịch, khách không đến biết bán cho ai. Ban đầu, hàng tồn đọng nhưng chúng tôi tìm cách xoay xở, bán rẻ cho các cơ sở làm bơ, làm bánh nên thiệt hại giảm đáng kể. Tuy nhiên, do lượng hàng tiêu thụ trong nước, chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài, đường bay lại đóng cửa thời gian dài nên có khá nhiều cơ sở không bán được, “ôm” hàng chờ phá sản”, ông Lâm cho biết.
Thê thảm hơn, có thể kể đến cơ sở sản xuất mỹ nghệ T.C (TP.HCM), chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ như giỏ tre, các vật dụng bằng tre, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Khách hàng của T.C phủ sóng từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội. Tuy nhiên, 5 tháng qua, cơ sở “đóng cửa, tắt đèn”, nhân viên nghỉ việc và chủ cơ sở tìm người sang lại toàn bộ hàng và xưởng vì… hết tiền. Chủ cơ sở – bà T.V cho biết ngay tại các đại lý lớn và hai chợ sỉ Bến Thành và An Đông, mỗi ngày bà bỏ hàng cũng được 10 – 15 triệu đồng, thêm các điểm du lịch khác trên cả nước, doanh thu mỗi tháng được 600 triệu đồng. Nhưng đến nay, hàng tồn kho rao trên mạng xã hội để bán nửa giá, mà cả tuần lễ cũng không ai hỏi mua.
Tương tự, các DN lớn đang bị gia tăng lượng hàng tồn kho như Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến báo cáo 6 tháng năm 2020 tổng tài sản đạt 5.245,7 tỉ đồng, tăng 5% so với đầu năm nhưng doanh thu giảm 18% và lợi nhuận trước thuế chỉ còn 38 tỉ đồng, giảm đến 82% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, riêng trị giá hàng tồn kho của Việt Tiến đến hết tháng 6 cũng tăng hơn 384 tỉ đồng so với cuối năm 2019, lên 1.478,5 tỉ đồng.
Công ty cổ phần may Sông Hồng cũng có trị giá hàng tồn kho gia tăng 93,8 tỉ đồng so với cuối năm 2019. Tổng tài sản của may Sông Hồng đến hết tháng 6.2020 đã tăng thêm 166,2 tỉ đồng. Nhưng doanh thu của công ty cũng bị giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.901,5 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm gần 44%, còn 149,44 tỉ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 công bố báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt 3.767 tỉ đồng, giảm 13,7% và lợi nhuận trước thuế đạt 397 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019. Riêng hàng tồn kho của 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên 911,67 tỉ đồng, nhiều hơn 152,7 tỉ đồng so với cuối năm 2019…

Lo kéo theo nợ xấu

Ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho hay do dịch Covid-19, ngành giấy gặp khó khăn cả về nguồn nguyên liệu lẫn tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, lĩnh vực giấy in, giấy viết bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do khối trường học nghỉ thời gian dài, mô hình hội họp và học online tăng mạnh đã kéo theo nhu cầu giảm mạnh, đặc biệt là giấy để photocopy. Cụ thể, tiêu thụ giấy in báo trong 8 tháng năm nay giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước; giấy in tráng phủ giảm 24,3%; các loại giấy khác giảm 17,3%… Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu giấy in và giấy viết giảm 53,8% và giấy vàng mã giảm 3,5%. Ngay cả nhu cầu sử dụng bao bì giấy cho hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu bị thu hẹp. Từ đó khiến tồn kho của các DN tăng cao, dòng vốn bị cạn kiệt.
Ông Sơn ví dụ, nếu như trước đây hàng tồn kho của nhiều DN chỉ khoảng 1 – 2 tuần thì nay đã lên xấp xỉ 3 tháng sản xuất, đây là tình thế rất nguy hiểm vì nó buộc các DN phải giảm sản xuất, cho máy nghỉ, đồng thời chỉ bán hàng với giá thấp (bỏ chi phí khấu hao, bỏ lợi nhuận…) để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động.
“Dù số lượng các sản phẩm ngách rất ít và trước đây DN không quan tâm thì nay phải tìm tòi để duy trì hoạt động. Tương tự, việc tìm kiếm thêm những thị trường xuất khẩu mới cũng khá khó khăn, chi phí nhiều hơn nhưng vẫn phải làm để đẩy mạnh tiêu thụ. Theo dự báo của hiệp hội, có thể từ giữa năm 2021 trở đi, thị trường mới đỡ khó khăn hơn”, ông Đặng Văn Sơn nói.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định hàng tồn kho của các DN gia tăng do bức tranh chung của nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19 vì mức cầu xuống thấp. Điều này cũng thể hiện tốc độ luân chuyển tiền trong nền kinh tế bị chậm lại. Bản thân DN bị ứ đọng vốn trong sản phẩm đã sản xuất nhưng chất đống trong kho hay bị tồn đọng nguyên vật liệu dở dang. Nếu điều này kéo dài sẽ khiến nhiều DN thiếu vốn, khả năng thanh toán trả nợ không còn. Hệ lụy sẽ kéo theo là nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng gia tăng.
Do đó theo TS Lê Đạt Chí, có thể nhìn vào chỉ số tồn kho của từng nhóm ngành cũng có thể lựa chọn giải pháp nào để hỗ trợ cho DN nhanh chóng, thiết thực nhất. Đặc biệt đó là chính sách kích thích tiêu dùng, từ tiêu dùng công đến tiêu dùng của người dân mới có thể giải phóng hàng tồn kho. Hay thậm chí kéo dài thêm thời gian khoanh nợ, giãn nợ cho các DN bị tác động mạnh bởi Covid-19…
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 do Bộ Công thương công bố chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính bình quân khá cao với 78,9%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%…
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO