Đã đến lúc cho ghi danh vào đại học và siết kỹ đầu ra?
Đã đến lúc cho ghi danh vào đại học và siết kỹ đầu ra?
Trường công, trường tư đua nhau tuyển sinh với rất nhiều phương thức xét tuyển, chuyện học sinh nhận được giấy báo đỗ của 8-10 trường là bình thường. Nên chăng cho phép ghi danh vào đại học, sau đó siết đầu ra?
Từ câu chuyện Gần 200 học sinh cùng trường bỗng dưng đậu đại học cho thấy đầu vào đại học hiện nay quá dễ dàng với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Như vậy, có nên cho phép các trường áp dụng phương thức ghi danh vào đại học?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Kim Quang – nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), người có hàng chục năm phụ trách công tác tuyển sinh – cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 khẳng định tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường.
Đã đến lúc có những thay đổi đột phá trong tuyển sinh đại học bằng cách “mở đầu vào và siết chặt đầu ra”, đồng thời phải có nhiều quy định chặt chẽ để đầu ra đảm bảo chất lượng đào tạo.
Có thể cho ghi danh
* Ông nhận định thế nào về thực tế công tác tuyển sinh đại học những năm qua?
– Thực tế công tác tuyển sinh những năm vừa qua về cơ bản có tăng cường quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và cơ hội vào đại học của thí sinh. Bộ GD-ĐT cho phép trường có quyền thực hiện đa dạng phương án xét tuyển: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm thi THPT, xét học bạ THPT, thi đánh giá năng lực…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về cơ hội công bằng cho những học sinh giỏi và sự cạnh tranh không minh bạch giữa các trường gây cho thí sinh nhiều băn khoăn. Việc tổ chức tuyển sinh riêng đối với các trường có yêu cầu sàng lọc cao hay đặc thù còn chưa được tạo thuận tiện hoặc các trường chưa thực sự được tự chủ.
* Vậy có nên “xả cửa” đại học bằng cách cho phép ghi danh vào học? Theo ông, học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực học đại học?
– Cơ hội học đại học hay nghề nghiệp là quyền lợi của học sinh đã tốt nghiệp phổ thông. Điều kiện cần và đủ để có thể tham gia học tập chương trình nào là do yêu cầu của bậc đào tạo, ngành nghề và được nhà trường quy định cụ thể trên cơ sở quy định chung của Bộ GD-ĐT hay Luật giáo dục.
Về chủ trương giáo dục đại chúng, học tập suốt đời, không nên gọi là “xả cửa” mà là tạo cơ hội thuận tiện học tập nâng cao cho học sinh tốt nghiệp THPT, có thể gọi là “ghi danh” hoặc “đăng ký” hoặc “nộp hồ sơ”… để trường xét tuyển theo điều kiện đã công bố với thủ tục thật đơn giản.
Riêng các ngành đào tạo tinh hoa, kỹ năng đặc thù hoặc ngành “hot” như y dược, sư phạm… thì cần bổ sung phương thức sàng lọc chặt chẽ, chính xác hơn và gọi là kỳ thi tuyển sinh riêng.
Rất cần vai trò kiểm định và giám sát của Bộ GD-ĐT
* Thực tế học sinh Việt Nam có học lực trung bình ra nước ngoài học đại học rất tốt, không ít trong số đó học lên tiến sĩ. Nhiều học sinh ở bậc phổ thông học chưa tốt nhưng về sau họ trưởng thành, tập trung và có động lực học tập muốn thử sức ở bậc đại học, có nên tạo cơ hội cho số này?
– Theo tôi, thành công trên hết là quyết tâm và nỗ lực suốt quá trình học tập của cá nhân mà điều kiện môi trường là tác nhân quan trọng. Về cách đánh giá, không có kỳ thi duy nhất nào có thể đánh giá, phân loại một cách toàn diện năng lực, tố chất của số đông học sinh. Do đó, xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố bao gồm quá trình học tập, thành tích, kỹ năng, hoạt động ngoại khóa… và một kỳ thi phù hợp với ngành nghề đào tạo thì chính xác hơn.
Tùy đặc thù của ngành đào tạo và nhu cầu người học, nhà trường quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp. Thí sinh sẽ không cảm thấy bị “cản trở” khi chọn trường, ngành phù hợp với nguyện vọng, năng lực và hoàn cảnh kinh tế của mình.
Hiện nay, nhiều nước phát triển đang áp dụng một nền giáo dục mở, cho phép mọi người sau bậc THPT đều có thể ghi danh vào đại học, sau năm thứ nhất nếu không đạt yêu cầu thì cho xuống bậc cao đẳng. Sau đó nếu cải thiện tốt, học giỏi, có thể được trở lại học đại học… Với mô hình đào tạo theo tín chỉ hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được việc này.
* Rõ ràng việc tăng cường đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra quan trọng hơn việc chỉ chú trọng vào khâu tuyển sinh. Việc này cần được thực hiện thế nào và công tác hậu kiểm của Bộ GD-ĐT ra sao trong bối cảnh “thả lỏng” đầu vào, thưa ông?
– Theo tôi, các trường đều phải quan tâm việc tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, quản lý, các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra của sinh viên. Vì đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển của cơ sở đào tạo. Việc kiểm định chất lượng giáo dục và giám sát của Bộ GD-ĐT rất cần minh bạch đối với xã hội và là cơ sở để học sinh cân nhắc lựa chọn môi trường học tập phù hợp với mình.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Quan trọng là sàng lọc trong quá trình đào tạo
Thật ra, học sinh tốt nghiệp THPT là đủ trình độ để theo học đại học. Trong quá trình đào tạo sinh viên ở các trường đại học, thời gian 1, 2 năm đầu trường sẽ tìm được những sinh viên thích ứng được với việc học đại học theo đúng ngành phù hợp.
Tôi cho rằng điểm thi THPT hiện nay không còn là tiêu chí quan trọng trong tuyển sinh, không nên tập trung quá nhiều vào chuyện thi cử, xét tuyển mà nên cho phép các trường đại học có thể tuyển sinh bằng cách ghi danh. Điều quan trọng nhất là việc sàng lọc trong quá trình đào tạo phải thật tốt để sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
PGS.TS Trần Thiên Phúc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Các ngành đặc thù vẫn cần tuyển sinh đầu vào
Mặc dù trước đây ở Việt Nam từng cho phép ghi danh vào đại học nhưng vẫn có một số trường phải thi vào như Đại học Y khoa. Nếu cho phép ghi danh thì các trường đại học phải cam kết giữ chất lượng đầu ra. Thập niên 1970, Trường đại học Khoa học Sài Gòn tuyển sinh đầu vào 2.000 sinh viên nhưng sau năm thứ nhất chỉ còn khoảng 180 sinh viên. Một số trường đại học xét tuyển đầu vào rộng rãi theo hình thức ghi danh.
Trong quá trình học tập, các hoạt động đánh giá kết quả học tập chính xác và thường xuyên nên kết quả đầu ra người học vẫn đạt được chuẩn như mong muốn. Tuy nhiên, một số ngành nghề đặc thù như y dược hoặc kiến trúc, sư phạm… vẫn nên thực hiện tuyển sinh đầu vào.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội):
Không thể buông lỏng đầu vào
Hiện nay rất nhiều trường đại học mua dữ liệu để tuyển sinh, có học sinh nhận được giấy báo đỗ từ 8-10 trường là bình thường.
Luật giáo dục giao quyền tự chủ về các trường là đúng. Các trường có quyền tổ chức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên theo tôi, vẫn cần một nền tảng kiến thức chung nữa. Bộ GD-ĐT nên là cơ quan cầm trịch thành lập các trung tâm khảo thí để có mặt bằng kiến thức chung trên toàn quốc. Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó, có chính sách tuyển sinh riêng.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại đại học, tôi thấy việc tuyển sinh đầu vào rất quan trọng, không thể buông lỏng khâu tuyển đầu vào được. Ngoài ra các trường muốn đảm bảo chất lượng phải kiểm soát rất chặt đầu ra.
GS Nguyễn Minh Thuyết:
Trường nào dễ dãi sẽ không có sinh viên
Thực tế nhiều nước phương Tây cũng tuyển theo kiểu ghi danh như thế, đặc biệt là các trường khoa học, còn những trường nghề hấp dẫn thì phải thi tuyển mới vào được.
Vấn đề là họ có quy trình đào tạo rất nghiêm, họ sàng lọc rất ghê. Mình cũng nên học tập cách đó. Tuy nhiên ở Việt Nam, buông phần tuyển đầu vào quá thì không được.
Vẫn cần Bộ GD-ĐT, các cơ quan chủ quản của mỗi trường đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, trường hợp bất thường thì phải để ý. Và nói cho cùng xã hội vẫn quyết định. Trường nào đào tạo dễ dãi thì sẽ không có sinh viên, muốn hút sinh viên phải giữ được chất lượng.
Nước ngoài: Đại học ghi danh dễ, nhưng ngành y thì không
Theo thông tin từ Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), điều kiện đầu vào đại học Đức tương đối đơn giản, chỉ cần đảm bảo hồ sơ đủ điều kiện xét tuyển, phỏng vấn là nhập học.
Tuy nhiên, để tốt nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng trong 3-4 năm học. Không giống như ở một số nước có thể đạt điểm cao nhờ ghi nhớ thông tin trong sách giáo khoa, để đạt điểm cao ở Đức, sinh viên cần phải hiểu sâu về môn học – vốn yêu cầu nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu và khả năng tự tổ chức việc học của sinh viên.
Các trường đại học ở Trung Quốc cũng đang siết chặt yêu cầu cho sinh viên tốt nghiệp. Điều này nhằm cải thiện tiêu chuẩn đầu ra vì tỉ lệ sinh viên học đại học đã nhiều hơn trước. Nói cách khác, các trường sẽ từ chối cho sinh viên tốt nghiệp nếu không đáp ứng các yêu cầu như thiếu các tín chỉ cần thiết.
Nhìn chung, ở bậc đại học, việc không yêu cầu quá khắt khe ở đầu vào và siết chặt chất lượng đào tạo đầu ra là xu hướng chung của các nước. Thế nhưng có một ngành mà nơi nào cũng yêu cầu các điều kiện đầu vào khắt khe, đó chính là ngành y.
Theo đó, ngoài những tiêu chí xét duyệt hồ sơ gắt gao, các nền giáo dục tiên tiến đều yêu cầu ứng viên học ngành y phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào. Như ở Mỹ, thí sinh phải đậu bài kiểm tra đầu vào MCAT, là bài thi chuẩn hóa trên máy tính do Hiệp hội Các trường y khoa Hoa Kỳ (AAMC) thiết kế. Hầu hết các trường y khoa của Mỹ đều yêu cầu ứng viên nộp điểm thi MCAT trong hồ sơ.
Ở Mỹ, bằng y khoa được coi là bằng cấp thứ hai, có nghĩa là không thể đăng ký học trực tiếp bằng cử nhân y khoa. Thí sinh phải có bằng cử nhân về một môn khoa học liên quan (lựa chọn phổ biến là sinh học và hóa học) trước khi đăng ký vào trường y.
Tương tự, để được học ngành y ở Anh, thí sinh phải xem kỹ yêu cầu của từng trường mà mình muốn nhập học vì các trường được tự do đưa ra tiêu chí riêng. Và yêu cầu không thể thiếu là UCAT – bài kiểm tra năng lực lâm sàng Vương quốc Anh, được thiết kế để kiểm tra khả năng nhận thức, thái độ, tư duy phản biện và suy luận logic. Đây là bài kiểm tra trực tuyến mà các trường y khoa ở nước Anh yêu cầu.
Riêng tại các trường đại học ở các nước châu Âu khác có thể yêu cầu thí sinh vượt qua bài kiểm tra đầu vào do trường thiết kế, hoặc kỳ kiểm tra toàn quốc hay phải vượt qua kỳ thi đầu vào y khoa quốc tế IMAT (ở Ý). (MINH KHÔI)