Còn nhiều chuyện phải làm cho chất lượng hạt gạo Việt
Còn nhiều chuyện phải làm cho chất lượng hạt gạo Việt
Gạo Việt đang ở vị thế mới. Nhưng chuyển đổi hiệu quả từ lượng sang chất còn nhiều việc phải làm.
Hơn 30 năm quay lại thị trường xuất khẩu gạo kể từ khi Nam Kỳ lục tỉnh xưa đã từng tạo ra những thương hiệu gạo Sài Gòn xuất cảng đi nhiều quốc gia, gạo Việt đang ở một vị thế mới đáng trân trọng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong khoảng 10 năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu từ chủ yếu gạo thô, chất lượng thấp sang gạo phẩm cấp cao, chất lượng tốt chiếm đa số.
Tận dụng lợi thế gạo Việt giá cao, tiêu thụ mạnh, thừa thắng xông lên, tăng nhanh diện tích, sản lượng lúa, hay thận trọng tính toán, cân đối cung – cầu, phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu của chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng trước thay đổi của tự nhiên và biến động thị trường?
Tâm lý phấn khởi cho rằng nên phát động nông dân cố gắng cao nhất để phát triển sản xuất, tận dụng thời cơ, gia tăng diện tích, sản lượng lúa do tình hình dịch bệnh khó lường.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên “ăn xổi ở thì”. Xét ở “đầu vào” sản xuất lúa thì còn nhiều yếu tố bấp bênh. Lũ nhỏ, vấn đề đặt ra là cần tích trữ nước ngọt ở hai vùng rốn lũ trước đây là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Rồi nước biển dâng, xâm nhập mặn… Xét ở “đầu ra”, thị trường tiêu thụ lúa gạo đang là “điểm sáng” trong ngắn hạn. Nhưng nhìn chung, theo dự báo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), an ninh lương thực thế giới vẫn trong ngưỡng an toàn.
Tuy hiện ở vị thế đang lên, nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ không dễ dàng vượt qua sức ì nếu sản xuất nông nghiệp theo lối mòn tư duy nặng về tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng mà không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo các phân khúc thị trường.
Độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn. Nhìn từ hai phía, sân nhà – thị trường Việt Nam và sân khách – thị trường xuất khẩu thì nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều đang gặp khó và không dễ chơi.
Vai trò, trách nhiệm, thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao, nhưng cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng được các cam kết EVFTA và EVIPA và yêu cầu hội nhập không thể đứng ngoài cuộc.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng về lượng, giá bán, giá trị, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao. Không chỉ nỗ lực của Chính phủ, đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân đang dùng những ứng dụng mà cách đây vài năm như chuyện đùa.
Bằng việc ứng dụng viễn thám cho đồng ruộng, công nghệ sinh học tuyển chọn giống lúa… thì cách tiếp cận cho một cuộc chuyển đổi từ gạo thô sang gạo digital – kỹ thuật số, tại sao không?
Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và “chuyển đổi số” cho hạt gạo Việt đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy.
Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
Vị thế của cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại.