24/11/2024

Trung Quốc dàn trận thế nào ở Chiến khu Nam bộ?

Trung Quốc dàn trận thế nào ở Chiến khu Nam bộ?

Có biên giới với Việt Nam, chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc (PLA) được phân công phụ trách các hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.
Lược đồ thế trận quân sự của chiến khu Nam bộ Trung Quốc /// ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Lược đồ thế trận quân sự của chiến khu Nam bộ Trung Quốc ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Theo báo cáo thường niên “Sự triển khai quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố gần đây, chiến khu Nam bộ là một trong 5 chiến khu PLA không chỉ phụ trách các hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, mà còn bao gồm cả khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, chiến khu này cũng phụ trách 2 đặc khu Hồng Kông và Macau.
Hiện nay, chiến khu Nam bộ cũng đang được biên chế 1 trong 2 chiếc tàu sân bay mà hải quân PLA sở hữu. Cụ thể, chiến khu Nam bộ được biên chế tàu sân bay Sơn Đông – tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc.
Ngoài ra, chiến khu này còn được biên chế 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 14 tàu ngầm tấn công chạy diesel, 11 tàu khu trục, 18 tàu hộ tống, 11 khinh hạm, 4 tàu đổ bộ, 13 tàu hậu cần cỡ lớn, 9 tàu đổ bộ cỡ trung và 22 tàu tuần tra tên lửa.
Về không quân, chiến khu Nam bộ của Trung Quốc có nhiều loại máy bay tiêm kích tối tân. Trong đó có 24 chiến đấu cơ Su-35 mà Trung Quốc đặt mua từ Nga. Các lực lượng lục quân, tên lửa thuộc biên chế chiến khu này cũng sở hữu gần như đầy đủ các khí tài hiện đại nhất mà Trung Quốc đang có.
Ngoài ra, chiến khu Nam bộ còn triển khai lực lượng quân sự đang đồn trú tại các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trong đó có một số loại tên lửa như tên lửa đối không HQ-9 với tầm bắn hơn 300 km và tốc độ đạt Mach 4.2 (hơn 9.000 km/giờ); tên lửa hành trình đối hạm YJ-12 có tầm bắn lên đến 400 km cùng tốc độ tối đa đạt khoảng Mach 4 (khoảng 9.000 km/giờ); tên lửa YJ-62 tốc độ cận âm, tức khoảng 1.000 km/giờ, tầm bắn 290 – 400 km.
Tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã xây dựng hạ tầng cho không quân đủ để đồn trú nhiều loại chiến đấu cơ như J-11, J-15 và cả các dòng máy bay ném bom thuộc loại H-6. Tại các căn cứ được xây dựng phi pháp ở các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, PLA cũng từng triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm.
NGÔ MINH TRÍ
TNO