13/01/2025

Rục rịch xúc tiến thi công đường vành đai 3 TP.HCM

Rục rịch xúc tiến thi công đường vành đai 3 TP.HCM

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến sẽ được triển khai thi công vào quý 3.2021
Bản đồ hướng tuyến đường vành đai 3, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch /// Ảnh: CIPM cung cấp
Bản đồ hướng tuyến đường vành đai 3, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch ẢNH: CIPM CUNG CẤP
Dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 8,75km. Trong đó, 6,3km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 2,45km thuộc địa bàn TP.HCM. Công trình này có tổng mức đầu tư 5.329,56 tỉ đồng, thực hiện bằng vốn ODA thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế – EDCF.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM – đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư), mới đây, hiệp định vay vốn đã được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thông qua, tạo cơ sở để thực hiện dự án. Sau khi đã thuận lợi về vốn vay thực hiện dự án, dự kiến vào tháng 10 này, chủ đầu tư sẽ lựa chọn xong nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật. Đến tháng 3.2021, đơn vị được lựa chọn sẽ hoàn thiện thiết kế kỹ thuật. CIPM dự kiến khởi công dự án thành phần 1A vào quý 3.2021.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được các đơn vị thúc đẩy nhanh. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 453 hộ dân chịu ảnh hưởng thuộc huyện Nhơn Trạch. Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, kiểm đếm đã được UBND H.Nhơn Trạch khởi động từ năm 2017. UBND tỉnh cũng đã có các quyết định phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng từ năm 2018 để làm cơ sở cho việc thu hồi đất và tiến độ đang được thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch giải tỏa 81 hộ dân bị ảnh hưởng phía TP.HCM đang chậm, có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án theo tiến độ yêu cầu.
Một thành phần quan trọng của dự án thành phần 1A được nhiều người dân quan tâm đó là cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, kết nối với TP.HCM, có chiều dài hơn 2 km, rộng 19,5 m dành cho 6 làn xe. Cầu có tĩnh không cao 30,5 m, thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.
Cây cầu có tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 2.200 tỉ đồng, sau khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai cùng các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Dự án đường vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và được điều chỉnh vào năm 2013, tổng mức đầu tư hơn 35.600 tỉ đồng. Do nhiều vướng mắc, đến nay, việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM theo kế hoạch được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).
Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu giao thông thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của TP mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
HÀ MAI
TNO