12/01/2025

Cứ ‘thực phẩm nhà làm’ là ‘auto’ yên tâm? Ai kiểm chứng?

Cứ ‘thực phẩm nhà làm’ là ‘auto’ yên tâm? Ai kiểm chứng?

Gia đình chị tôi đã một phen khiếp vía từ chuyện thực phẩm nhà làm. Cả nhà đã bị ngộ độc sau khi dùng điểm tâm bánh mì với món patê nhà làm qua lời giới thiệu của chị em đồng nghiệp.

 

 

Cứ thực phẩm nhà làm là auto yên tâm? Ai kiểm chứng? - Ảnh 1.

Một nơi bán thực phẩm gia đình khi quảng cáo trên FB

Sau sự cố, người bán giải thích theo kiểu… “chắc là do xui xẻo thôi vì từ đó đến giờ có bị gì đâu!”. Đến lúc chị làm căng, đòi đến tận cơ sở sản xuất để làm cho ra lẽ, người bán xuống nước năn nỉ, giải thích là họ cũng lấy hàng từ chỗ khác bán kiếm lời.

Ăn uống dễ dàng do ‘tin nhau’? 

Lo sợ thực phẩm có hóa chất nguy hại, nhiều người chuyển sang chọn thực phẩm được quảng cáo là nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi… Việc mua bán chủ yếu là tin tưởng nhau, không nhãn mác, không đăng ký chất lượng nhưng vẫn mua và bán nhộn nhịp đắt hàng.

Thực phẩm nhà làm được quảng bá khá hiệu quả từ lời giới thiệu những người quen biết với nhau cho đến các trang mạng xã hội và đang được rất nhiều người ưa chuộng vì đủ loại mặt hàng phong phú lại được giao hàng tận nơi.

Thực phẩm nhà làm thường có giá cao hơn so với giá thị trường vì họ cho rằng nguồn thực phẩm họ được đảm bảo chất lượng. Lợi dụng việc này, nhiều người lấy hàng của một số nơi rồi báo là của nhà làm để đánh lừa người mua.

Đáng nói là, khi mua ở những người quen biết thì còn đảm bảo được chất lượng… nếu biết và tin tưởng cách làm của họ. Hầu hết “hàng nhà làm” hiện đang được rao bán rất tràn lan ăn theo nhau.

Tận dụng thói quen tiêu dùng này và lợi thế bán hàng qua mạng, người người thoải mái rao bán, quảng cáo trong các nhóm cộng đồng mua bán, hay các khu dân cư, trên các website, trang thương mại điện tử, trang cá nhân và chất lượng thì không ít… rủi ro.

Ai có thể kiểm chứng thực phẩm này chất lượng ra sao, thực phẩm giả mạo, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hay cao, đúng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh quy định?

Chỉ vì tin tưởng vào cái gọi là “nhà làm”, người mua dễ dàng bỏ qua các yếu tố rủi ro, độc hại, nguy cơ nhiễm khuẩn từ những sản phẩm không rõ nhà ai làm, chế biến, bảo quản ra sao?

Hãy tiêu dùng cẩn trọng! 

Thực tế, vì nhiều nguyên nhân, các sản phẩm đang được rao là hàng nhà làm khó có thể đảm bảo đầy đủ các thông tin về an toàn (nguồn gốc, xuất xứ, nơi làm, ngày sản xuất và hạn sử dụng).

Thực phẩm chế biến và bán số lượng lớn có thể khó bảo đảm dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh hóa, điều kiện chế biến cũng khó bảo đảm vệ sinh. Điều này đồng nghĩa với việc các loại thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Chưa kể, an toàn thực phẩm tính từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện một cách bài bản, đúng khoa học, nhất là khi sản xuất với số lượng lớn. Điều này không phải ai bán thực phẩm nhà làm cũng có thể làm được.

Nói như bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, hình thức kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn qua mạng tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm rất cao.

Nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ… chưa qua thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.

Có một thực tế các cơ sở chế biến thực phẩm bán online đều có quy mô nhỏ lẻ, không đủ trang thiết bị để bảo quản, chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào.

Phần lớn người dân bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Không ít người mua thực phẩm online còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo. Gọi là nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi như cụ thể nhà ấy ở địa chỉ nào lắm khi không ghi trên bao bì sản phẩm, người bán từ đâu cũng ẩn trên mạng không rõ (hoặc không có) địa chỉ cửa hàng.

Gọi là nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi nhưng khi đã mang đi bán cho nhiều người thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Nhưng điều này hiện vẫn là khoảng trống trong khi thị phần đang ngày càng rộng hơn. Đã đến lúc cần có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm gọi là nhà làm nhưng bán đại trà qua mạng để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

Trước đây, khi chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đi vào nề nếp, khái niệm nhà làm, nhà trồng được cho là an toàn. Nhưng nay do bùng phát thực phẩm gọi là nhà làm để kinh doanh, người người đua nhau bán hàng nhà làm, nhà trồng… khái niệm “nhà” này có còn chuẩn không?

Và người mua có nên dễ dãi chọn mua nếu chỉ vì “nhà làm”? Thị trường đã hướng đến các sản phẩm tự nhiên, nông sản trồng hữu cơ với những tiêu chuẩn an toàn rất cao, những cơ sở chế biến sản phẩm lớn đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ rõ ràng, nuôi trồng, chế biến đúng quy trình vệ sinh.

Chỉ tin vào những quảng cáo hàng “nhà làm, nhà trồng…” nhưng không thể kiểm chứng được sự an toàn lắm khi là cả tin đầy rủi ro.

THẢO NGHI
TTO