10/01/2025

EU với bài toán tị nạn – nhập cư: giải pháp phá sản

EU với bài toán tị nạn – nhập cư: giải pháp phá sản

Giải pháp bị phá sản ở cách tiếp cận là chỉ cần chi tiền ra sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn này.
Người tị nạn trùm chăn ngồi bên đường sau một đám cháy ở trại tị nạn trên đảo Lesbos (Hy Lạp) /// Reuters
Người tị nạn trùm chăn ngồi bên đường sau một đám cháy ở trại tị nạn trên đảo Lesbos (Hy Lạp) REUTERS
Cho tới khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, Liên minh Châu Âu (EU) dẫu không muốn cũng phải thừa nhận giải pháp cho vấn đề người tị nạn và nhập cư được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3.2016 đã phá sản. Lý do là nó vừa không giúp EU giải quyết được dứt điểm vấn đề này, lại vừa khiến EU nhức nhối bởi sự tồn tại của các trại tị nạn như Moria.
Theo thỏa thuận này, EU phải chi cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều tiền để Ankara ngăn dòng người tìm cách nhập cảnh trái phép vào EU và nhận lại những người không được EU trao quy chế tị nạn. Mỗi lần muốn gây áp lực đối với EU, Thổ Nhĩ Kỳ lại biến EU thành “con tin” của thỏa thuận ấy. Vì thế, EU phải rất thận trọng với việc quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này cũng chi cho Hy Lạp nhiều tiền để giữ những người tị nạn chờ được EU xem xét chấp nhận. Năm 2016 và 2019, trại tị nạn Moria đều từng xảy ra hỏa hoạn. Chính phủ Hy Lạp bị phê trách nặng nề về nhận nhiều tiền từ ngân quỹ EU mà không xây dựng, quản lý, vận hành được an toàn và trật tự trại tị nạn.
Giải pháp bị phá sản ở cách tiếp cận là chỉ cần chi tiền ra sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn này. Cách chơi của Thổ Nhĩ Kỳ và sự tồn tại dai dẳng của những trại tị nạn trong tình trạng không được đảm bảo an toàn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cho thấy giải pháp này chỉ có thể đưa lại hiệu ứng như EU mong muốn khi EU đồng thời xử lý ổn thỏa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và cải tổ toàn diện chính sách và cơ chế xử lý vấn đề người tị nạn và nhập cư.
PHAM LỮ
TNO