24/11/2024

Dịch COVID-19 ngày 11-9: hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu

Dịch COVID-19 ngày 11-9: hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu

Đến sáng 11-9, thế giới có hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các lãnh đạo thế giới đoàn kết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn nghiêm trọng ở nhiều nước.

 

Dịch COVID-19 ngày 11-9: hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tính đến sáng ngày 11-9, thế giới đã có hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 912.000 ca tử vong, 20,3 triệu ca đã hồi phục. Các điểm nóng châu Á như Ấn Độ, Brazil tiếp tục chứng kiến số ca mắc trong ngày cao kỷ lục, trong khi số ca ở một số nước châu Âu tăng nhanh.

Mỹ Latin mua hàng chục triệu liều vắc xin Nga

Brazil thông báo nước này có thêm 40.557 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca ở nước này lên 4,2 triệu kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay, khu vực Mỹ Latin đã có hơn 8 triệu ca mắc COVID-19 với các điểm nóng như Brazil, Mexico, Peru, Colombia. Brazil là nước bị ảnh hưởng nhất khu vực, hiện có số ca cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ấn Độ.

Hãng tin Reuters dẫn lời chính quyền bang Bahia của Brazil cho biết bang này đã ký thỏa thuận thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vắc xin Sputnik V của Nga. Theo thỏa thuận, bang này sẽ nhận 500 liều để thử nghiệm trong tháng 10-2020. Nếu thành công, bang Bahia sẽ đưa vắc xin Nga vào thị trường trong nước.

Một số nguồn tin cho biết Bahia sẽ cam kết mua 50 triệu liều vắc xin từ Nga.

Ngoài ra, Mexico cũng vừa ký cam kết sẽ mua 32 triệu liều Sputnik V và dự kiến nhận hàng từ tháng 11-2020.

Dịch COVID-19 ngày 11-9: hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 2.

Một bãi biển đông đúc ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6-9 – Ảnh: REUTERS

AstraZeneca khẳng định vẫn có vắc xin vào cuối năm

Hãng dược Anh AstraZeneca cho biết công ty này vẫn có thể cung cấp vắc xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào cuối năm nay, mặc dù một thử nghiệm lâm sàng liên quan loại vắc xin này đang tạm thời đình chỉ.

“Chúng tôi vẫn có thể có vắc xin vào cuối năm nay, hoặc đầu năm sau” Giám đốc điều hành Pascal Soriot của AstraZeneca nói.

Trước đó công ty này đã tuyên bố ngừng việc thử nghiệm loại vắc xin đang cùng nghiên cứu với Đại học Oxford, sau khi một tình nguyện viên người Anh phát sinh một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân. Một ủy ban độc lập được lập ra để xem xét mức độ an toàn của nghiên cứu này.

Loại vắc xin mà AstraZeneca đang phát triển có tên gọi AZD1222, là một trong số 9 vắc xin tiềm năng phòng COVID-19 trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tại Mỹ, AstraZeneca đã tiến hành thử nghiệm đối với 30.000 tình nguyện viên ở hàng chục địa điểm khác nhau từ ngày 31-8. Trong khi đó, nhiều nhóm tình nguyện viên quy mô nhỏ hơn cũng đang được thử nghiệm ở Brazil và các nơi khác ở Nam Mỹ.

Các nước siết biện pháp chống dịch

Pháp ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay, hơn 10.000 ca trong ngày 10-9. Cuộc họp nội các Pháp ngày 11-9 dự kiến sẽ thảo luận việc công bố các biện pháp phong tỏa mới. Đến nay, tổng thống và thủ tướng Pháp vẫn phản đối việc phong tỏa trên toàn quốc.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chính quyền vùng Basque đã quyết định đóng cửa trường tiểu học Zaldibar sau khi một số giáo viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường học đầu tiên phải đóng cửa hoàn toàn ngay trong tuần đầu tiên học sinh trên cả nước được trở lại trường sau 6 tháng nghỉ phòng dịch. Trước đó, một số lớp học tư nhân đã phải học từ xa và một số nhóm giáo viên đã phải cách ly.

Theo số liệu cập nhật, Tây Ban Nha đến nay đã ghi nhận tổng cộng 543.379 ca nhiễm, trong đó có 29.628 ca tử vong.

Tương tự, Bồ Đào Nha áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm khắc hơn trước thềm năm học mới. Theo đó, việc tụ tập sẽ bị giảm giới hạn từ 20 xuống 10 người, trong khi việc bán và uống rượu bia nơi công cộng sẽ bị cấm từ sau 20h.

Dịch COVID-19 ngày 11-9: hơn 28,3 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đoàn kết

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng chung tay đóng góp các nguồn lực để thực hiện những biện pháp có thể giúp ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo ông Tedros, đến nay, sự thiếu đoàn kết là vấn đề đáng lo ngại nhất. “Vì khi thiếu đoàn kết, chúng ta bị chia rẽ và đó là có hội tốt cho virus và vì sao nó vẫn đang lây lan. Chúng ta cần đoàn kết, cần một sự lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt là từ các cường quốc thế giới”, hãng tin AFP dẫn lời ông Tedros nói.

Ông Tedros cũng cho biết WHO đã triển khai chương trình ACT-A (Tăng tốc tiếp cân các công cụ ứng phó với dịch COVID-19), trong đó hỗ trợ nghiên cứu về vắc xin, thuốc điều trị và các xét nghiệm chẩn đoán.

Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ: “Chúng ta cần nhanh chóng mở rộng quy mô thử nghiệm lâm sàng, năng lực sản xuất, cấp phép và quy định để những sản phẩm này có thể được ứng dụng và cứu sống mạng người”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp thêm 35 tỷ USD cho chương trình ACT-A, trong đó 15 tỷ USD cần được giải ngân trong 3 tháng tới.

“Hiện chúng tôi cần thêm 35 tỷ USD để đi từ ‘bước khởi động’ đến ‘mở rộng quy mô và gây ảnh hưởng’. Khoản tiền này thực sự cấp bách. Nếu không có thêm 15 tỷ USD trong ba tháng tới, chúng ta sẽ để tuột cơ hội rất nhanh chóng”, ông Guterres nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO