10/01/2025

Bỏ hình thức đuổi học đối với học sinh

Bỏ hình thức đuổi học đối với học sinh

Theo dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh, mức kỷ luật cao nhất là học sinh bị tạm dừng học tập tối đa 2 tuần, bỏ hoàn toàn hình thức đuổi học 1 năm.
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh thay thế Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988 /// Đào Ngọc Thạch
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh thay thế Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988  ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988.
Dự thảo thông tư mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến góp ý đến hết ngày 31.10.2020 trước khi ban hành chính thức.

“Cuộc cách mạng” lớn nhưng không dễ thực hiện

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nhật (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng dự thảo này thể hiện được tinh thần “giáo dục tích cực” mà chúng ta đang hướng tới. Mang tính nhân bản, nhân văn và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội hiện tại. Trong đó, điều khoản về việc không đuổi học HS mà tạo điều kiện cho các em thay đổi môi trường, và mức kỷ luật cao nhất là tạm dừng học tập trong vòng 2 tuần đã thể hiện được tính nhân văn trong việc giáo dục con người.

Từ trước tới nay bậc tiểu học không có yêu cầu học sinh nghỉ học, đặc biệt không được dùng đến từ “đuổi học” mà chỉ phối hợp với phụ huynh để cùng nhắc nhở, giáo dục các em. Theo tôi từ này nên bỏ hoàn toàn và thông tư mới này đã làm được điều đó

LÊ NGỌC ĐIỆP (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Trong quá trình kỷ luật, trường sẽ có bộ phận theo dõi, giúp đỡ và dùng biện pháp giáo dục tích cực để “chuyển hóa” HS chứ không thả nổi HS sau khi đình chỉ, khiển trách các em như trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Thanh thủ tục để thực hiện các hình thức khen thưởng, kỷ luật trong dự thảo mới này còn nặng hình thức và phải thông qua nhiều thành phần… Điều này sẽ gây nặng nề và lãng phí thời gian. Vì vậy, ông Thanh góp ý cần giao cho quyền hiệu trưởng quyết định.
Đánh giá cao dự thảo này và cho rằng đây là “cuộc cách mạng lớn” trong việc giáo dục HS nhưng ông Thanh cho rằng năng lực của giáo viên trong việc giải quyết các tình huống cũng rất quan trọng. Do vậy, giáo viên cần phải được tập huấn, rèn luyện các phương pháp giáo dục tích cực mới phát huy được hiệu quả. Ví dụ như không so sánh HS, quy định nêu rõ ràng như vậy nhưng để thực hiện không hề dễ dàng.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng những điều khoản buộc thôi học, khiển trách cảnh cáo HS được bãi bỏ, bên cạnh những mặt tích cực, dự thảo vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần trao đổi thêm. Nhất là hình thức “tạm dừng học tập” thay thế cho đuổi học. Rõ ràng tạm dừng học tập nghe nhân văn và hợp lý hơn, nhưng nên để việc quyết định thời gian tạm dừng bao lâu cho Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định. Căn cứ trên tình hình cụ thể, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra và ý thức – nhận thức của HS mà nhà trường có quyết định phù hợp. Có những trường hợp cá biệt phải cho phép tạm dừng học tập trong 1 năm để áp dụng các biện pháp giáo dục khác nhằm giúp HS tiến bộ trước khi được lên lớp tham gia mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho rằng khi HS phạm lỗi, các em thường không nhận thức hết vấn đề nên nếu buộc thôi học sẽ làm các em mất cơ hội sửa chữa. Quy định về việc đuổi học HS chỉ sử dụng trong những trường hợp cá biệt, vì vậy không nên tồn tại quy định này. Ngược lại, cần sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh để có những giải pháp giáo dục HS, hình thức xử lý nhân văn, tạo cơ hội để các em sửa chữa những sai lầm nhất thời gây ra.

Bỏ tất cả hình thức kỷ luật với HS tiểu học

Tương tự, đánh giá về dự thảo trên, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cũng cho rằng dự thảo này đã bỏ được nhiều vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua.
Trước đây có tới 5 hình thức kỷ luật, trong đó cao nhất là đuổi học 1 năm. Còn theo dự thảo này, thay đuổi học bằng hình thức tạm dừng học tập trên lớp đối với HS vi phạm tối đa là 2 tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng.
Chính sách khen thưởng cũng rút từ 7 hình thức xuống còn 4 nhưng vẫn bao quát hết được tất cả hình thức. Đặc biệt các trường cũng được chủ động hơn trong việc khen thưởng khi được trao quyền hoàn toàn.

Ý KIẾN

Thay đổi để theo kịp cuộc sống
Xây dựng thông tư mới về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS các trường phổ thông hiện hành là điều cần thiết. Vì hiện nay những quy định trước đều “lỗi thời”. Thứ nhất, bên cạnh những thay đổi về chương trình, mục tiêu, phương pháp giáo dục, công tác tổ chức dạy và học trong nhà trường… thì còn có những thay đổi về phát triển tâm sinh lý, tư duy và khả năng nhận thức của HS và thay đổi nhận thức, trình độ của cả phụ huynh… Thứ hai, hệ thống quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, trong đó những quy định ràng buộc ở thái độ, hành vi, ứng xử. Chẳng hạn, luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức… tạo cơ sở pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong nhà trường (nếu có).
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Cần sự cam kết của giáo viên
Để thực hiện được các điều khoản trong dự thảo mới này của Bộ, phải có sự cam kết của giáo viên. Có 2 điều cần thiết một giáo viên cần có khi dạy học trò chính là tình thương và sự gương mẫu. Khi HS phạm bất cứ quy định nào nếu giáo viên xem như con mình thì khi đưa ra bất kỳ cách giải quyết nào chỉ cần trả lời được câu hỏi “Mình làm như vậy có giúp các em tốt lên hay không?” thì lúc đó các quy định, thủ tục không còn quan trọng nữa.
Phạm Ngọc Thanh (Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nhật, TP.HCM)
Đặc biệt, so với trước đây thì dự thảo này đã bỏ tất cả hình thức kỷ luật đối với HS tiểu học. Việc bỏ cảnh cáo HS trước lớp, toàn trường cũng được xem là bước tiến bộ rất lớn trong giáo dục.
“Tôi nghĩ đây là thay đổi rất lớn trong việc khen thưởng, kỷ luật HS, đảm bảo tính nhân văn và giáo dục. Có thể Bộ đã dựa trên tinh thần của luật Giáo dục mới ban hành, phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật vừa được Quốc hội ban hành, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và luật Trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016”, ông Bùi Gia Hiếu chia sẻ.
Còn theo ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), thực tế trong giáo dục bậc tiểu học từ trước đến nay hầu hết trường không thực hiện kỷ luật HS nên việc bãi bỏ quy định này là hoàn toàn hợp lý.
“Từ trước tới nay bậc tiểu học chúng tôi không có yêu cầu HS nghỉ học, đặc biệt không được dùng đến từ “đuổi học” mà chỉ phối hợp với phụ huynh để cùng nhắc nhở, giáo dục các em. Theo tôi từ này nên bỏ hoàn toàn và thông tư mới này đã làm được điều đó”, ông Điệp chia sẻ.
NGUYỄN LOAN – BÍCH THANH
TNO