27/12/2024

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Không nên tăng thứ hạng một cách giả tạo

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Không nên tăng thứ hạng một cách giả tạo

Khi biện hộ cho việc mua bán bài báo khoa học, nhiều nhà khoa học quên mất cái gì mới là quan trọng cho một trường đại học để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, thay vì tăng thứ hạng một cách giả tạo.
Sau một loạt bài báo về thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học của báo Thanh Niên, một nhóm nhà khoa học Việt Nam đã lập trang Liêm chính khoa học, nhanh chóng thu hút nhiều nhà khoa học người Việt trong và ngoài nước tham gia /// Ảnh Quý Hiên chụp màn hình
Sau một loạt bài báo về thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học của báo Thanh Niên, một nhóm nhà khoa học Việt Nam đã lập trang Liêm chính khoa học, nhanh chóng thu hút nhiều nhà khoa học người Việt trong và ngoài nước tham gia   ẢNH QUÝ HIÊN CHỤP MÀN HÌNH
LTS: Sau khi loạt bài Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học của báo Thanh Niên được đăng tải, trong cộng đồng khoa học Việt Nam đã dấy lên những cuộc tranh luận và đến nay vẫn chưa kết thúc về chủ đề liêm chính khoa học. Qua theo dõi các cuộc tranh luận đó, GS Pierre Darriulat, một nhà khoa học lớn người Pháp nhưng có mối quan hệ sâu sắc với giới hàn lâm Việt Nam, đã gửi tới báo Thanh Niên bài viết này. Tiêu đề bài viết và tiêu đề phụ do tòa soạn đặt.

Về một vụ bê bối…

“Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch” […]
“Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính – cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”.
“[…] chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu”.
“Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng […]”
Tác giả của những câu trên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi trích dẫn từ các tác phẩm: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (1952), Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969) của Người.
Trong bài viết gần đây đăng trên một tạp chí của Bộ Khoa học công nghệ, tôi đã phát biểu rằng, chúng ta cần phải ưu tiên dành những nỗ lực lớn nhất có thể để tiệm cận tới lý tưởng của năng lực và sự liêm chính, mà nếu thiếu chúng thì khoa học không thể phát triển. Khi viết như vậy, tôi đã liên tưởng tới bài Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 18.8, liên quan tới một việc mà tôi gọi là một vụ bê bối.
Về bài báo này, tôi có một số bình luận như dưới đây.

Đó hoàn toàn là một lời dối trá

Người ta nói với tôi rằng bài báo trên tờ Thanh Niên “đã gây chia rẽ cộng đồng khoa học”. Các tranh luận tập trung vào câu hỏi, “liệu có đúng đắn hay không khi một trường đại học trả tiền cho các nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu khác để ghi tên trường đó làm địa chỉ cho những bài báo khoa học mà họ công bố?”.
Nhiều người cho rằng đây là một việc làm bình thường trên thế giới và nó có thể chấp nhận được trong tình trạng hiện tại của Việt Nam, khi mà hầu hết các nhà khoa học ở các cơ quan công lập phải nhận mức lương rất thấp và rất nhiều người trong số họ phải làm thêm những công việc khác ngoài giờ để kiếm kế sinh nhai, vậy thì tại sao không cho họ nhận tiền từ một trường đại học khác để đổi lấy các bài báo khoa học?
Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tại sao một trường đại học có thể sử dụng nguồn lực tài chính riêng ít ỏi của mình để hỗ trợ một lượng khá lớn các nhà khoa học ở các nơi khác làm nghiên cứu, trả lương tốt cho cán bộ cơ hữu của họ, và cung cấp một chất lượng giáo dục tốt cho sinh viên, trong khi các trường công lập khác nhận được những khoản chi ngân sách lớn từ nhà nước lại không làm được như vậy?”
Trước khi tiếp tục trình bày quan điểm của mình, cho phép tôi ngay lập tức hoàn toàn bác bỏ lập luận cho rằng “đây là một việc bình thường trên thế giới”. Điều này đơn giản là sai, đó hoàn toàn là một lời dối trá. Tôi đã có 30 năm cuộc đời nghiên cứu vật lý tại CERN, một trung tâm nghiên cứu quốc tế, ở đó bất cứ một sự vi phạm nào tới các quy tắc cơ bản nhất về đạo đức khoa học sẽ ngay lập tức bị xử phạt nghiêm khắc. Bất cứ cách diễn giải nào khác đều chỉ là nói dối, không thể chấp nhận được.

Ai đáng bị lên án?

Những lời biện hộ của những người đứng về phía Trường đại học Tôn Đức Thắng đã chạm tới một vấn đề lớn hơn, đó là tham nhũng. Tham nhũng là một vấn đề đặc thù của Việt Nam và nó đang ngăn cản sự phát triển của đất nước. Mặc dù Đảng và Nhà nước liên tục nêu cao các bài học đạo đức, vấn nạn này chưa có dấu hiệu suy giảm trong vòng ba thập kỷ gần đây.
Vì thế, các giáo viên tổ chức các lớp học thêm mà học sinh tốt nhất là nên đi học nếu muốn được điểm cao. Cũng vì thế, một vài nhà khoa học Việt Nam sẵn sàng ghi địa chỉ của Trường đại học Tôn Đức Thắng nếu trường Tôn Đức Thắng trả tiền cho họ để làm điều đó.
Những nhà khoa học này không phải là những người đáng bị lên án.
Họ có thể nói: Tôi sống ở một đất nước mà năng lực của tôi nói riêng và giới trí thức nói chung không được coi trọng, điều này được phản ánh qua đồng lương ít ỏi của tôi. Tôi có thể phản ứng bằng cách rời bỏ đất nước, như nhiều người vẫn đang làm. Nhưng tôi không muốn thế, tôi muốn tiếp tục hy vọng vào một xã hội tốt đẹp hơn, tôi muốn những đứa con của mình có thể sống trên mảnh đất của cha ông chúng, nơi mà bình đẳng và công lý sẽ được tái lập, nơi mà những lời của vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ trở thành hiện thực.
Khi còn thơ ấu, tôi đã mơ được góp sức vào những sự chuyển biến này, nhưng mọi nỗ lực của tôi đã nhanh chóng bị làm cho nhụt chí và bây giờ tôi đã hiểu ra rằng nhiệm vụ này là quá sức đối với tôi. Vì thế, tôi đã học cách thoả hiệp giữa lý tưởng và thực tế, học cách làm thế nào để tồn tại được bằng việc nhân nhượng một chút với quan điểm đạo đức của mình miễn sao đừng làm tổn thương quá nhiều đến nhân cách của tôi.
Những người đáng bị lên án hiển nhiên là những người phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu tôn trọng dành cho giới trí thức của đất nước và cho sự trì trệ của công cuộc chống tham nhũng.

Vung tiền phí phạm

Khi tôi nói chuyện ở Trường đại học Tôn Đức Thắng là một vụ bê bối, tôi không có ý nhằm vào các nhà khoa học Việt Nam. Tôi nhắm vào việc Trường đại học Tôn Đức Thắng trả tiền cho các nhà khoa học nước ngoài để ghi địa chỉ của trường trong các bài báo của họ.
Ví dụ, tôi có thể xét một bài báo tiêu biểu cho vấn đề này và nó thuộc lĩnh vực chuyên môn của tôi: Nghiên cứu tham số mô tả cánh tay xoáy ốc của thiên hà: độ rộng cánh tay (Investigation of the parameters of spiral pattern in galaxies: the arm width), đăng trên tạp chí Nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý Thiên văn (Research in Astronomy and Astrophysics), số 20, tập 8, năm 2020. Các tác giả của bài báo là 3 nhà vật lý thiên văn đáng kính làm việc tại Saint Petersburg; bài báo có nội dung tốt và ở một đẳng cấp cao.
Tác giả đầu của bài báo, Alexander Mosenkov, ghi địa chỉ ở Phòng Quản lý khoa học và phát triển công nghệ và khoa Khoa học ứng dụng, Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam; anh ta cũng ghi địa chỉ email của trường Tôn Đức Thắng.
Việc này, theo quan điểm của tôi, là một vụ bê bối trên ít nhất 2 khía cạnh:
1. Trường Tôn Đức Thắng hoàn toàn không đào tạo gì về vật lý thiên văn, đó là lý do tại sao Mosenkov chỉ có thể ghi địa chỉ Phòng Quản lý khoa học và Phát triển công nghệ, chứ không phải khoa hay bộ môn thiên văn. Đáng lẽ ra, sẽ rất đáng khen ngợi nếu như Trường đại học Tôn Đức Thắng, với việc ý thức được rằng hầu hết các trường đại học Việt Nam bỏ qua ngành vật lý thiên văn là chuyện đáng xấu hổ như thế nào, có thể thành lập một bộ môn vật lý thiên văn và bỏ kinh phí mời các nhà khoa học xuất sắc ở nước ngoài sang giảng bài. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Số tiền trả cho Mosenkov là hoàn toàn phí phạm đối với Việt Nam. Sẽ tốt hơn nhiều nếu người ta dùng tiền đó trả cho các đồng nghiệp trẻ người Việt của tôi, những người đang thực sự làm nghiên cứu về vật lý thiên văn trên đất nước này.
2. Tác hại của việc quá coi trọng chuyện xếp hạng đại học, các hệ số ảnh hưởng và những con số định lượng khoa học khác đang hiển hiện tại đây trong bộ dạng hoàn toàn trần trụi của nó. Tác dụng duy nhất của những thứ này là để dành cho các nhà quản lý thiếu năng lực, những người không có khả năng đánh giá chất lượng của bản thân công việc nghiên cứu khoa học, để cho họ có thể quyết định nghiên cứu này là tốt còn cái kia là kém.
Thật không may là có cả những nhà khoa học cũng rơi vào cái bẫy này: họ quên mất cái gì mới là quan trọng cho một trường đại học Việt Nam để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, thay vì tăng thứ hạng một cách giả tạo; và họ cho rằng thứ hạng mới là điều quan trọng.

Ai sẽ làm cho môi trường khoa học liêm chính?

Một lần nữa, cá nhân những nhà khoa học Việt Nam mắc vào những cạm bẫy này không phải là đối tượng đáng bị chỉ trích. Chúng ta không thể bắt các nhà khoa học Việt Nam hy sinh cho điều mà họ biết là quá xa tầm tay của mình; chúng ta cần chấp nhận những thoả hiệp và nhượng bộ mà họ phải làm để tồn tại được ở nơi này.
Những người có thể cải thiện tình hình là những người có trách nhiệm phát triển năng lực và sự liêm chính của quốc gia, những người có trách nhiệm chèo lái đất nước với di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, những người có trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ, những người “muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính”, những người sẽ “tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ” và “ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”.
Họ là những người có thể giải phóng các hiệp hội chuyên môn, ví dụ như Hội Vật lý Việt Nam và Hội Thiên văn và vũ trụ Việt Nam, là hai nơi mà tôi quen thuộc, khỏi những điều cấm kỵ đang làm tê liệt hoạt động của các hội này và khuyến khích những tranh luận với mục tiêu đi tìm con đường hiệu quả nhất hướng tới năng lực và sự liêm chính. Họ là những người có thể tái lập sự trân trọng những giá trị tri thức của đất nước, khích lệ thế hệ trẻ tư duy phản biện, khuyến khích họ đọc những cuốn sách viết về những điều họ không tán thành để được trang bị tốt hơn khi đấu tranh bảo vệ luận điểm của mình.
Họ là những người có thể triển khai những cách thức quản lý khoa học hiệu quả hơn, bớt phung phí tiền bạc cho những thiết bị vô dụng như ta vẫn thường thấy, và thay vào đó là đãi ngộ tốt hơn cho các nhà khoa học. Họ là những người hiểu rằng tương lai của đất nước nằm trong khối óc và con tim của thế hệ trẻ, chứ không phải ở những dấu hiệu sung túc giả tạo và những biểu tượng địa vị khác mà thực ra chỉ là ảo ảnh.
GS Pierre Darriulat là một nhà vật lý hàng đầu thế giới về lĩnh vực vật lý hạt và vật lý thiên văn. Ông là viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong khoảng 1987-1994.
Sau khi nghỉ hưu (cuối năm 1999), ông sang định cư ở Hà Nội. Từ đó đến nay, ông đã tập trung giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam.

GS Pierre Darriulat

TS Nguyễn Bảo Huy dịch

TNO