25/12/2024

Dệt may “chạy ăn” hàng tuần

Dệt may “chạy ăn” hàng tuần

Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục chìm trong khó khăn khi thị trường tiêu thụ quần áo trên toàn cầu vẫn trầm lắng do dịch Covid-19.
Công ty cổ phần quốc tế Dony đang ra mẫu quần áo bảo hộ y tế giới thiệu khách hàng ở Mỹ /// Ảnh: Ng.Ng
Công ty cổ phần quốc tế Dony đang ra mẫu quần áo bảo hộ y tế giới thiệu khách hàng ở Mỹ ẢNH: NG.NG
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 và từ tháng 1 – 8.2020 của Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam hiện vẫn đang “ăn đong” đơn hàng theo từng tháng, thậm chí theo tuần và đến nay, chưa có bất kỳ thông tin về các đơn hàng từ tháng 10 đến cuối năm nay.
Và theo khảo sát của Bộ Công thương, nhiều DN cho biết đã nhận được khoảng 50 – 60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Số liệu cho thấy xuất khẩu dệt may và may mặc trong tháng 8 giảm gần 11%, trong 8 tháng đạt 19,25 tỉ USD, giảm 11,6%.

Chưa có đơn hàng từ tháng 10

Ngày 7.9, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony, DN chuyên may hàng xuất khẩu đi Mỹ, xác nhận DN đang khó khăn, bế tắc và thậm chí không biết quý cuối năm lấy gì để nuôi công nhân. Trước đây, các đơn hàng thường ký trước thời gian dài. Tháng 9 mọi năm, DN đã chuẩn bị hết nguyên phụ liệu làm hàng đến cuối năm và đầu năm sau. Tuy nhiên, cho đến hôm qua (7.9), công ty mới có đơn hàng hết tháng 9.

Năm nay cực kỳ nguy hiểm cho ngành dệt may vì không ai dự báo trước được tương lai. Vì vậy, chỉ mong Chính phủ nới lỏng những điều kiện trong các giải pháp hỗ trợ như cho vay tiền không lãi suất để trả lương người lao động cũng như hoãn, giãn việc đóng phí bảo hiểm xã hội để DN có nguồn tiền thực hiện chi trả lương, cố gắng giữ chân người lao động.

Ông Thân Đức Việt

Ông nói: “Thật ra, khách hàng vẫn có email hỏi han, báo giá, trao đổi thông tin, mẫu vải… nhưng chỉ dừng ngang đó. Đặc biệt là hàng khẩu trang xuất khẩu giảm sút thê thảm. Thời điểm này mọi năm mặt hàng khẩu trang sốt, thường khách hỏi và quyết định đặt hàng chỉ trong vòng 1 tuần đã xong, thời gian triển khai cũng ngắn, gấp. Tuy nhiên, nay để chốt được đơn hàng khẩu trang mất cả tháng, và số lượng đặt hàng giảm khoảng 60%”.

Công ty Dony chuyên may áo quần đồng phục xuất khẩu sang Mỹ. Trong đại dịch, mặt hàng áo quần gần như chững lại, nhưng DN đã “bẻ lái” ký được một số đơn hàng xuất khẩu khẩu trang đi châu Âu, Trung Đông và Úc nhưng nay thì thị trường khẩu trang cũng giảm mạnh. “Sau tháng 10 chưa có gì làm!”, ông Quang Anh nói ngắn gọn.
Những DN may mặc lớn như Tổng công ty May 10 – CTCP chuyên xuất khẩu quần áo sơ mi, veston… chuyên làm hàng xuất sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng xác nhận khó khăn. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 32,84 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với lợi nhuận hơn 33,2 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, trong 6 tháng đầu năm lượng hàng truyền thống đã giảm khoảng 20 – 30%, nhưng công ty đã sớm chuyển sang sản xuất khẩu trang nên phần nào gỡ khó được. Thế nhưng, trong 6 tháng còn lại, đặc biệt quý 4/2020 thì tình hình khó khăn hơn. Nhiều năm về trước, May 10 cũng như nhiều DN dệt may khác luôn có đơn hàng trước 3 – 6 tháng. Đồng nghĩa là giờ đây công ty sẽ có đơn hàng cho hết quý 4/2020 và thậm chí hết quý 1/2021. Nhưng hiện nay May 10 chỉ nhận được đơn hàng đạt 50% công suất cho quý 4/2020 và 50% còn lại phải ăn đong từng tháng. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà mua hàng đều yêu cầu giảm giá từ 10 – 20% cho những đơn hàng mới.

Khó hồi phục, khó dự báo

Đánh giá toàn ngành, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may thiếu đơn hàng là điều dễ hiểu vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu lao dốc.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng tiêu thụ hàng dệt may của thế giới giảm 25% còn trị giá 230 tỉ USD so với mức 307 tỉ USD của cùng kỳ năm 2019. Điều này khiến các DN dệt may trong nước cũng sụt mạnh đơn hàng từ 30 – 60%, thậm chí có đơn vị giảm đến 100% hay thua lỗ, đóng cửa. Dù vậy, ngành dệt may trong nước 6 tháng đầu năm 2020 chỉ sụt giảm xuất khẩu khoảng 12%, thấp hơn một nửa mức giảm chung của toàn cầu và vươn lên thành nước xuất khẩu thứ 2 về dệt may nhờ nỗ lực chung của các DN.
Theo ông Lê Tiến Trường, từ nay đến cuối năm, nhu cầu vẫn tiếp tục đi xuống, DN khắp nơi đều phải cạnh tranh gay gắt để có đơn hàng nên chạy đua giảm giá khiến có công ty dù có đơn hàng nhưng không có lợi nhuận hoặc lỗ nhưng vẫn làm vì muốn duy trì việc làm cho người lao động. Khó khăn càng trầm trọng hơn khi khách hàng lùi thời gian thanh toán từ 60 ngày lên 120 ngày. Nếu trước đây DN dệt may chỉ cần 1 đồng vốn lưu động để thanh toán lương, chi phí hoạt động thì nay phải cần gấp đôi.
Ông Trường nhận định: “Sức ép lên các DN dệt may từ nay đến cuối năm rất lớn. Chỉ riêng 8 nhà bán lẻ lớn hàng trăm năm tuổi của Mỹ như JC Penny, Brooks Brothers, RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi New York &Co.)… nộp đơn phá sản đã có doanh số bán lẻ khoảng 10 tỉ USD trong năm 2019. Điều này cho thấy khả năng hồi phục của thị trường dệt may thế giới không thể nhanh. Đến năm 2021, mức tiêu thụ cũng chưa thể quay về bằng năm 2019. Các DN vẫn đang nỗ lực như tiếp tục chuyển đổi đơn hàng sang trang phục y tế, chinh phục thị trường nội địa… nhưng chắc chắn vẫn không đủ để bù cho đơn hàng xuất khẩu.
NGUYÊN NGA   – MAI PHƯƠNG
TNO