Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông tiếp tục là ưu tiên của ASEAN
Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông tiếp tục là ưu tiên của ASEAN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tiếp tục là ưu tiên của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan.
COC được kỳ vọng là bộ quy tắc mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, từ đó đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng thời gian gần đây, đàm phán COC được dự đoán sẽ là một trong những điểm nóng, có vai trò then chốt tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53, diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 9 tới 12-9.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại cuộc họp báo về AMM 53 và các hội nghị liên quan chiều 7-9, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh “COC vẫn là ưu tiên của ASEAN”, bất chấp dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình đàm phán bộ quy tắc này thời gian qua.
“COC vẫn là ưu tiên của ASEAN. Do vấn đề dịch bệnh COVID-19, đàm phán COC đã trì trệ trong thời gian khá dài. Tất cả các bên đều sốt ruột. Với tính chất đàm phán COC, rất khó để tổ chức họp trực tuyến.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây chúng tôi vẫn có một số cuộc họp trực tuyến, không đi sâu về nội dung nhưng vẫn bàn về cách thức, về việc làm thế nào nối lại các đàm phán cũng như các mục tiêu…
Cho đến nay chúng tôi đã thỏa thuận được một số điểm về cách thức và mong rằng sẽ sớm nối lại đàm phán COC”, ông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng là trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đồng thời là tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.
AMM 53 bao gồm các cuộc họp bộ trưởng cấp cao ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Nội dung chính của các sự kiện lần này bao gồm việc kiểm điểm tình hình hợp tác và xây dựng cộng đồng ASEAN, nhất là triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã thống nhất cho năm 2020, cũng như việc hợp tác ứng phó COVID-19.
ASEAN và các đối tác cũng sẽ bàn về phát triển quan hệ đối ngoại trên cơ sở đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Bên cạnh đó, hai sự kiện được mong chờ hàng đầu trong chuỗi làm việc này là cuộc họp thượng đỉnh ngoại trưởng Đông Á (Hội nghị cấp cao Đông Á – EAS) và hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27.
AMM 53 và các hội nghị liên quan là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong Năm chủ tịch ASEAN 2020.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp bởi cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng; dịch bệnh COVID-19 với các làn sóng lây nhiễm mới, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội của các nước thành viên ASEAN.
Dù hoạt động hợp tác ASEAN chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19, Việt Nam đã và đang cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ chủ tịch ASEAN, đề xuất nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy hợp tác cả trong phòng chống dịch bệnh cũng như xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.