Bào chế vắc xin, còn là cuộc đấu trí của giới tình báo
Bào chế vắc xin, còn là cuộc đấu trí của giới tình báo
Cuộc đua vắc xin giữa các nước đã kéo theo cuộc chiến tình báo lớn nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Những bộ não siêu việt trong các cơ quan tình báo Mỹ, Anh đang đấu trí ngày đêm với Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống mà còn đặt ra nhiệm vụ nặng nề và lớn chưa từng có cho các cơ quan tình báo sừng sỏ thế giới của Anh, Nga, Mỹ hay Trung Quốc.
Những chiến dịch gián điệp và phản gián liên tục được phát động nhắm vào nhau. Nói như báo New York Times, chưa bao giờ có một chiến dịch tình báo quy mô lớn như vậy kể từ thời chiến tranh Lạnh.
Ông Bryan S. Ware, một quan chức cấp cao tại Bộ An ninh nội địa Mỹ, ví von đây không chỉ là một cuộc chiến tình báo mà còn là một cuộc đua phát hiện lỗi và tìm cách vá lỗi bảo mật.
“Đây là một cuộc đua với thời gian. Những người tài giỏi nhất sẽ phải tìm kiếm các lỗ hổng và khắc phục chúng trước khi đối thủ tìm thấy và lợi dụng để đánh cắp thông tin”, ông Ware giải thích.
Tại Mỹ, theo New York Times, gần như mọi đối thủ của Washington đều tìm cách đánh cắp các nghiên cứu vắc xin. Thay vì chỉ nhắm vào các công ty dược phẩm, tình báo Trung Quốc còn nhắm tới các viện nghiên cứu và trường đại học.
Một nguồn thạo tin của New York Times khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang góp phần tiếp tay cho các chiến dịch ăn cắp của Trung Quốc nhưng không nói rõ cách thức.
Theo một cựu quan chức tình báo Mỹ, dù WHO công khai các nghiên cứu vắc xin đang được tiến hành trên toàn cầu, Bắc Kinh có thể lợi dụng tầm ảnh hưởng trong tổ chức này để có các thông tin như loại vắc xin nào có tiềm năng nhất, từ đó tập trung nguồn lực đánh cắp.
Mỹ đã thành lập một nhóm chuyên theo dõi các động tĩnh của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế như WHO. Chiến dịch của Bắc Kinh bắt đầu được đẩy mạnh vào tháng 2 khi COVID-19 xuất hiện lần đầu ở Mỹ.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) gần đây đã cảnh báo Đại học Carolina Bắc đang trở thành mục tiêu của tin tặc Trung Quốc. Những kẻ tấn công đã và đang cố gắng đột nhập vào mạng máy tính khoa dịch tễ học của trường này nhưng vẫn chưa thành công.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, nơi vừa bị đóng cửa hôm 22-7, được xác định là một trong những mắt xích quan trọng. Theo FBI, dưới vỏ bọc là nhân viên ngoại giao, các đặc vụ Trung Quốc tại tổng lãnh sự quán đã lén lút tiếp xúc và lôi kéo các chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ.
Các quan chức Mỹ khẳng định bất chấp các nỗ lực tấn công của Trung Quốc nhắm vào những công ty dược phẩm như Gilead Sciences, Novavax và Moderna, những thông tin quan trọng liên quan vắc xin hầu như nguyên vẹn.
Chiến dịch tình báo của Nga bị Mỹ, Anh và Canada công bố hồi tháng 7, trong đó chủ yếu nhắm vào nghiên cứu của Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca. Matxcơva phủ nhận các cáo buộc của phương Tây.
Thông qua một hệ thống theo dõi cáp quang quốc tế, tình báo Anh tin rằng họ đã phát hiện một chiến dịch đánh cắp các nghiên cứu liên quan vắc xin ở Mỹ, Anh và Canada do Tổng cục tình báo nước ngoài Nga (SVR) tiến hành.
Tình báo NATO, vốn chỉ quan tâm đến sự dịch chuyển của các xe tăng Nga, đã dành nhiều nguồn lực xem xét kỹ lưỡng và ngăn chặn các chiến dịch gián điệp bị cáo buộc do Matxcơva giật dây.
Các quan chức tình báo Mỹ khẳng định với New York Times có hàng đống lý do khiến Nga và Trung Quốc tìm kiếm các thông tin về nghiên cứu vắc xin của Mỹ. Ngoài sao chép, các thông tin thu được có thể được dùng làm cơ sở kiểm tra những loại vắc xin mà hai nước này đang nghiên cứu.
“Họ thậm chí có thể dựa vào đó để gieo rắc các thông tin sai lệch khiến thế giới nghi ngờ vắc xin COVID-19 do phương Tây sản xuất. Nghiêm trọng hơn, nền móng cho một phong trào chống vắc xin ở các nước phương Tây đã được chuẩn bị”, New York Times khẳng định.
Nga và Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước các thông tin của New York Times.