Vượt qua các chuỗi đảo
Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên Sự triển khai
quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc. Trong đó, báo cáo đã cập nhật chiến lược và cách Trung Quốc “bài binh bố trận” nhằm sớm tiến ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất.
Tham vọng 2049
Theo một báo cáo, được thực hiện bởi cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert O.Work và nhà nghiên cứu Greg Grant, do Trung tâm an ninh nước Mỹ công bố, Trung Quốc đang tham vọng đến năm 2049 sẽ trở thành cường quốc quân sự mạnh nhất
thế giới. Thời điểm năm 2049 là cột mốc 100 năm ra đời nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 – 2049).
Tham vọng này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000), Trung Quốc xây dựng phương án nếu xảy ra xung đột thì vẫn có thể đánh thắng Mỹ dù thua kém về
công nghệ. Giai đoạn 2 bắt đầu khi Trung Quốc đạt được vị trí ngang bằng với Mỹ về công nghệ quốc phòng, và hiện nay là lúc Bắc Kinh muốn chuyển sang giai đoạn 2. Giai đoạn 3 là lúc Bắc Kinh đặt ra mục tiêu vượt qua Washington về công nghệ để đạt được vị thế quân sự vượt trội, tiến qua khu vực chuỗi đảo thứ nhất đồng thời đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ hai.
Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Theo đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines. Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu tại quần đảo Aleutian và kết thúc ở châu Đại Dương, mà phần quan trọng là vị trí quần đảo Hawaii.
Nền tảng tiên quyết của
Trung Quốc trong việc củng cố thực lực quân sự ở vùng tây Thái Bình Dương, từng bước kiểm soát các chuỗi đảo là xây dựng và hoàn thiện chiến lược phong tỏa – chống tiếp cận (A2/AD) để đủ sức đẩy quân lực của Mỹ hoặc các nước ngoài khu vực ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất.
Hỏa lực bao trùm
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh các yếu tố then chốt sau nhằm phát triển chiến lược A2/AD.
Nhật Bản tính phương án tấn công phủ đầu
Kyodo News ngày 5.9 dẫn nguồn loan tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ có cuộc họp cuối cùng trước khi từ chức trong tháng này với nội dung là chính sách tấn công phủ đầu để ngăn chặn trước cuộc tấn công của đối phương. Đề xuất được đảng cầm quyền Dân chủ Tự do đưa ra hồi tháng 8 nếu được thực hiện đồng nghĩa với việc Nhật Bản từ bỏ chính sách ưu tiên phòng thủ được nêu trong hiến pháp của nước này từ sau Thế chiến 2.
Đề xuất được nêu ra giữa thời điểm chính quyền Nhật gặp khó khăn trong việc tìm phương án thay thế cho kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore bị hủy bỏ hồi tháng 6. Giới quan sát nhận định việc Nhật Bản theo đuổi năng lực tấn công phủ đầu căn cứ tên lửa của đối phương sẽ khơi mào cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực Đông Á.
Vi Trân
Đầu tiên là khả năng tấn công chính xác tầm xa mà Trung Quốc đang phát triển dựa trên năng lực tên lửa và không quân. Cụ thể, Bắc Kinh đã chế tạo và thử nghiệm các loại tên lửa có khả năng tấn công đến hầu hết các căn cứ của Mỹ trong khu vực, như căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Vừa qua, Trung Quốc điều động oanh tạc cơ H-6 tập trận. Đây là loại máy bay chiến đấu có thể mang theo nhiều loại tên lửa tấn công tàu chiến và cả tấn công mặt đất bằng bom và các loại tên lửa.
Hỗ trợ theo đó còn có
tên lửa đạn đạo như Đông Phong 21 (DF-21) và Đông Phong 26 (DF-26) với tầm bắn đạt hàng ngàn ki lô mét. Thậm chí, tầm bắn của tên lửa DF-26 còn cho phép Trung Quốc từ các căn cứ quân sự ở đại lục tiến hành tấn công trực tiếp đến đảo Guam của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các loại tên lửa hành trình chống hạm đủ sức vươn đến vùng biển các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận.
Yếu tố tiếp theo phải kể đến là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm ngăn ngừa tấn công từ bên ngoài. Nổi bật trong số tên lửa phòng thủ của Trung Quốc là loại HQ-19, có thể xem là bản nâng cấp của tên lửa HQ-9. Tuy nhiên, hệ thống HQ-19 có khả năng phát giác mục tiêu tấn công từ khoảng cách 4.000 km và có tầm bắn 3.000 km để đánh chặn. Điểm nổi bật của HQ-9 là có khả năng tấn công ở tầm cao đến 200 km. Nên HQ-19 còn có thể xem là vũ khí không gian mà Bắc Kinh đang sở hữu, vì đủ sức bắn hạ vệ tinh ngoài không gian.
Kèm theo đó, Trung Quốc cũng phát triển, đặt mua các loại tên lửa phòng không như S-300, S-400, HQ-9… Trong đó, các phiên bản của HQ-9 đã được Bắc Kinh triển khai ở một số thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Kiểm soát thông tin
Hỗ trợ chặt chẽ cho hỏa lực hùng hậu ở trên, Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới kiểm soát thông tin bao gồm các hệ thống radar, cảm biến kết hợp cùng nhiều loại máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống tác chiến điện tử… Tất cả nhằm đảm bảo năng lực phong tỏa thông tin ở khu vực.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh đã phát triển các hệ thống phòng không tích hợp (IADS) nhằm kết hợp cả hỏa lực và kiểm soát thông tin. Các hệ thống này có bán kính bao phủ lên đến 550 km. Các hệ thống này khi kết hợp cùng các loại tên lửa phòng không để hình thành khả năng tác chiến cả bằng hỏa lực lẫn tấn công điện tử.
Kết hợp thêm còn có các loại máy bay trinh sát và cảnh báo sớm như KJ-2000 và KJ-500. Trong đó, hồi tháng 5, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã đưa KJ-500 đến bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Đây là dòng máy bay quân sự cho phép Bắc Kinh dễ dàng nhận diện máy bay hoặc tàu chiến nổi từ xa.
Loại máy bay này còn có thể phát hiện tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp. Khi được triển khai ở bãi đá Chữ Thập thì KJ-500 có thể hoạt động rộng khắp, ngay cả vùng ngoài rìa của Biển Đông, để Trung Quốc dễ dàng kiểm soát cả một khu vực rộng lớn. Bên cạnh đó, máy bay KJ-500 có thể giúp hải quân Trung Quốc “che giấu” các tàu ngầm hoạt động trong vùng biển.
Từ những chiêu trò này, Trung Quốc có thể triển khai một mạng lưới rộng lớn phục vụ chiến lược A2/AD ở vùng tây Thái Bình Dương.