11/01/2025

Sơ cứu cho người bị rắn cắn như thế nào?

Sơ cứu cho người bị rắn cắn như thế nào?

Ở Việt Nam, có nhiều loại rắn khác nhau phân bố ở các khu vực rừng núi, nông thôn và vùng biển. Mỗi năm, các bệnh viện đều ghi nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn
Chuyên gia Tony Coffey minh họa thao tác sơ cấp cứu cho người bị rắn rắn /// Ảnh: Survival Skills Vietnam
Chuyên gia Tony Coffey minh họa thao tác sơ cấp cứu cho người bị rắn rắn ẢNH: SURVIVAL SKILLS VIETNAM
Nạn nhân bị rắn cắn nếu không được sơ cứu đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo chuyên gia sơ cấp cứu người Úc Tony Coffey, thuộc Tổ chức Survival Skills Vietnam (tổ chức chuyên đào tạo sơ cấp cứu và thoát hiểm, trụ sở tại TP.HCM): Các loại rắn khác nhau có nọc độc gây phản ứng khác nhau trên mỗi cơ thể người bị cắn. Ví dụ, rắn cạp nong có khoanh đen – vàng, rắn cạp nia có khoanh đen – trắng/xám thường có ở VN; khi cắn người, trong thời gian ngắn nạn nhân có thể bị khó thở, mờ mắt. Sau khi đã có các dấu hiệu này thì tình hình nạn nhân nhanh chóng diễn biến xấu đi. Một số loài rắn khác khá phổ biến trong rừng rậm ở VN có nọc độc thường gây buồn nôn, ói mửa và cuối cùng dẫn đến suy thận.

Khi nạn nhân nôn ói, khó thở

Nạn nhân sau khi bị rắn cắn nếu buồn nôn hoặc nôn ói mà còn tỉnh thì cần cho nạn nhân cúi người về phía trước cho nôn ra.
Nếu nạn nhân bất tỉnh thì cho nạn nhân nằm nghiêng qua một bên, mở đường thở và cho miệng mũi hướng xuống sàn để nạn nhân nôn ra ngoài, như vậy chất nôn ói không đi ngược vào đường thở gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Nếu nạn nhân khó thở và còn tỉnh thì để nạn nhân ở tư thế ngồi và hơi chúi người về phía trước để dễ thở, không nên để nạn nhân nằm.
Chuyên gia Tony Coffey lưu ý: Nếu gặp phải một con rắn thì cách tốt nhất là tránh xa chúng. Rắn sẽ không tấn công người, nếu bạn đi ra xa thì chúng cũng bỏ đi. Tuy nhiên, nếu vô tình giẫm phải một con rắn hoặc bị rắn cắn thì sẽ không thể biết chúng có tiết nọc độc hay không. Vì vậy, trong tất cả các trường hợp bị rắn cắn, nạn nhân đều phải được sơ cấp cứu đúng cách, sau đó nhanh chóng vào bệnh viện điều trị.

Cách sơ cấp cứu khi bị rắn cắn

Đầu tiên, cần trấn an, giúp cho nạn nhân bình tĩnh. Người bị rắn cắn sẽ bị đau ở khu vực xung quanh chỗ bị cắn.
Nguyên tắc cơ bản vô cùng quan trọng khi sơ cứu cho một người bị rắn cắn là đảm bảo nọc độc do con rắn tiết ra khi cắn vào cơ thể được giữ nguyên tại chỗ bị rắn cắn, không để nọc độc di chuyển vào máu đi khắp cơ thể. Vì vậy, nạn nhân tuyệt đối không được cử động.
Băng bó, cố định chỗ vết thương bị rắn cắn để nọc độc chỉ ở nguyên tại vị trí bị cắn. Dùng băng thun để băng bó ngay vị trí vết thương. Sau đó, quấn dần lên khu vực xung quanh để hạn chế việc lưu thông của nọc độc.
Băng thun co giãn quấn vết thương sẽ giúp tạo một ít áp lực ngay tại chỗ vết rắn cắn để giữ nọc độc tại đây. Việc quấn băng vết thương không cần quá chật vì nếu băng bó quá chật có thể cản trở việc lưu thông máu đến phần cơ thể bị rắn cắn, như vậy sẽ không tốt cho nạn nhân.
Tiếp theo, tìm vật gì đó (như cành cây) làm nẹp để cố định chân/tay, chỗ bị rắn cắn. Chú ý dùng khăn hoặc vải mềm quấn quanh đoạn cây dùng để làm nẹp để nạn nhân không bị cấn đau hay xây xát tổn thương do nẹp. Dùng băng thun quấn ép nẹp dọc chân/tay để cố định cho nạn nhân.
Sau đó, đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay càng sớm càng tốt. Cần khiêng cáng, không để nạn nhân di chuyển, cử động.

Sai lầm khi sơ cứu

Rạch vết thương, hút nọc độc: Nhiều người rạch vết thương bị rắn cắn và dùng miệng cố gắng hút nọc độc ra. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm đúng. Bởi lẽ, bạn chỉ có thể hút ra được một lượng rất nhỏ độc chất, trong khi việc rạch hút có thể làm tình trạng nạn nhân xấu hơn. Đa số các trường hợp rắn cắn có nọc độc thì nọc độc chưa đi vào máu ngay mà vẫn nằm dưới da, trong hệ bạch huyết để cơ thể tìm cách xử lý trước. Việc rạch hút vết thương rắn cắn sẽ vô tình khiến nọc độc đi vào máu nhanh hơn, tổn thương rộng hơn.
Quấn garo quá chặt: Khi sơ cứu vết thương rắn cắn, nhiều người quấn garo thật chặt chỗ vết thương để ngăn lưu thông máu đến vùng cơ thể bị cắn, tránh cho nọc độc đi vào máu và di chuyển đến toàn cơ thể. Như thế là sai lầm. Thực tế ngay khi bị rắn cắn, nọc độc thường không đi ngay vào máu mà còn nằm trong hệ bạch huyết để cơ thể tìm cách xử lý. Việc băng bó vết thương quá chặt sẽ ngăn dòng máu đến nuôi phần cơ thể bị băng bó, làm tổn thương bộ phận này.
Tìm cách bắt, đánh giết con rắn: Không nên tìm cách bắt con rắn, như thế sẽ càng gây nguy hiểm cho bản thân. Trong đa số trường hợp, rắn không cố tình tấn công hay giết người, rắn chỉ cắn tự vệ để thoát thân, trừ khi bạn đe dọa hoặc tấn công ổ của chúng.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể chụp hình hoặc ghi nhớ hình dạng, đặc điểm bên ngoài của con rắn thì có thể sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng nhận diện chính xác loại rắn để có phương án điều trị.
NGUYÊN MI
TNO