18/11/2024

Năm học mới: Đổi mới dạy học lớp 1 và kỳ thi của lớp 12

Năm học mới: Đổi mới dạy học lớp 1 và kỳ thi của lớp 12

Trước ngày khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có những chia sẻ về vấn đề nguồn lực cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ lớp 1 và thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với lớp 12.
Năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa bắt đầu từ lớp 1 /// NGỌC DƯƠNG
Năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa bắt đầu từ lớp 1  NGỌC DƯƠNG

Giáo viên được tự chủ trong đổi mới phương pháp dạy học

Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị năm học mới với 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp. Một điểm mới là những năm gần đây, các nhiệm vụ, giải pháp của từng năm học đều thực hiện trên một trục chính, đó là cụ thể hóa của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Năm học mới, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ nhấn mạnh đến vai trò tự chủ của trường phổ thông, các trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, phù hợp với điều kiện giảng dạy và đối tượng học sinh (HS); giáo viên (GV) được quyền tự chủ trong đổi mới phương pháp dạy học…
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc đến thời điểm này, Bộ trưởng đã thực sự yên tâm với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, bắt đầu từ lớp 1, ông Nhạ chia sẻ: “Nói đã yên tâm thực sự hay chưa là khó, nhưng đến thời điểm này, việc chuẩn bị đã ổn. Thậm chí, tôi còn thấy ổn hơn so với dự kiến”.
Bộ trưởng lý giải việc chuẩn bị đổi mới năm đầu tiên cho chương trình, sách giáo khoa (SGK) trong bối cảnh rất mới và rất khó khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng mọi việc vẫn diễn ra theo đúng tiến độ. Cụ thể, việc chọn SGK trong lần đầu tiên có nhiều bộ sách cũng đã hoàn tất và cơ bản thực hiện đúng quy định. Lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK và đến thời điểm này, việc phát hành, cung ứng SGK đã đầy đủ. Toàn bộ giáo viên lớp 1 đã được bồi dưỡng theo đúng yêu cầu; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học đều đảm bảo đầy đủ.

Giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương

Người đứng đầu ngành GD-ĐT nhấn mạnh năm học mới sẽ hướng tới chuẩn hóa trong kiểm tra, đánh giá.
Ví dụ, ở cấp THPT hiện nay, GV mỗi trường tự ra đề kiểm tra, tự cho điểm, cho nên dẫn tới tình trạng có thể chưa thực sự công bằng, thậm chí dẫn tới tình trạng dạy thêm, học thêm khi GV đó vừa ra đề vừa cho điểm. Bộ sẽ đẩy nhanh việc thực hiện khảo thí độc lập, xây dựng ma trận chuẩn đầu ra của mỗi học kỳ, năm học, cấp học. Từ ma trận đó sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa để tách GV dạy học ra khỏi việc ra đề kiểm tra, chấm điểm. Khi đó, chất lượng học bạ sẽ phản ánh tương đối trung thực và công bằng kết quả học tập thực chất của HS, chất lượng dạy học.
Bộ sẽ tổ chức đánh giá kết quả trên diện rộng, ví dụ với lớp 5, lớp 9 và lớp 12, giống như cách đánh giá của PISA, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá độc lập với đánh giá của địa phương. Trên cơ sở đó, sẽ có đối sánh và xếp hạng chất lượng giáo dục của từng địa phương, mục tiêu là để nâng cao chất lượng giáo dục, tiến tới việc đánh giá hiệu quả và thực chất hơn.
Với tinh thần như vậy, ông Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin bước đầu về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm học này. Cụ thể, theo ông Nhạ, năm vừa rồi, việc thi tốt nghiệp THPT chuyển về địa phương là một hướng đi rất đúng nhưng hơi bị động vì dịch Covid-19, tuy nhiên đã tạo tiền đề rất tốt cho năm học tới. Bộ chủ trương kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giao cho địa phương tổ chức và các trường ĐH sẽ tự chủ trong tuyển sinh.
Bộ trưởng cũng cho biết dự kiến đầu tháng 10 tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và các trường ĐH sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh của mình. “Bộ sẽ không ra đề thi tốt nghiệp THPT nữa, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát”, ông Nhạ cho hay.
Như vậy, theo Bộ trưởng Nhạ, việc thi tốt nghiệp THPT sẽ như một kỳ kiểm tra đánh giá sau 12 năm học mà trách nhiệm của các địa phương phải làm, dựa trên chuẩn yêu cầu chất lượng của Bộ GD-ĐT. Bộ có thể hỗ trợ phần mềm, nơi nào có điều kiện, có thể tổ chức thi trên máy tính, và không nhất thiết phải thi cùng một thời điểm.
Cả nước tăng hơn 900.000 học sinh so với năm học trước
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học mới, cả nước có tổng số 22.983.800 HS từ mầm non tới THPT bước vào năm học mới, tăng 912.828 HS so với năm học trước. Cụ thể, năm học này bậc học mầm non có tổng số 5.385.200 trẻ; phổ thông có 17.598.600 HS.
Tuệ Nguyễn
Các trường ĐH sẽ đa dạng hình thức tuyển sinh. Khi đã có một số trung tâm khảo thí độc lập, đảm bảo chất lượng, các trường ĐH có thể sử dụng để tuyển sinh bằng hình thức đánh giá năng lực. “Tất nhiên, chủ trương này sẽ phải báo cáo Chính phủ và khi Chính phủ đồng ý thì Bộ sẽ triển khai thực hiện”, ông Nhạ nói.

Có kế hoạch dài hơi về giáo viên và trường lớp

Xung quanh vấn đề thừa thiếu GV và quá tải trường lớp, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân quyền và trách nhiệm của địa phương. Bởi muốn phân quyền thực chất thì địa phương phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, chứ không phải là công việc thời vụ; phải có một kế hoạch dài hơi về phát triển đội ngũ, ít nhất 5 năm, vì đây là nguồn lực lớn, đòi hỏi ngân sách chi thường xuyên cho họ chiếm 70 – 80%, và là lực lượng chiếm 2/3 đội ngũ viên chức ở địa phương. Trong khi đó, thực tế hiện nay, địa phương mới chỉ làm được việc tuyển dụng GV chứ chưa chăm sóc và phát triển đội ngũ này.
Vấn đề quan trọng thứ hai, theo Bộ trưởng GD-ĐT, là địa phương phải tính toán về quy mô giáo dục, về trường lớp. Hiện nay ở một số nơi, quy mô trường, lớp học quá lớn. Ngay cả nếu thực hiện theo Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT quy định, sĩ số 35 HS/lớp cũng đã là đông, GV dạy vất vả, trẻ con học cũng thiệt thòi. Tới đây, chương trình mới yêu cầu đổi mới về phương pháp đánh giá, sẽ đánh giá sự tiến bộ của từng HS. Với yêu cầu này, mô hình lý tưởng là lớp chỉ 20 HS thì thầy cô mới sát sao với sự tiến bộ hằng ngày của từng em.
Ông Nhạ cũng cho hay vừa qua, Bộ GD-ĐT đã góp ý rất cụ thể với các địa phương 3 vấn đề: địa phương phải chuẩn bị cho kế hoạch trung hạn về GV dựa trên chương trình phổ thông đã được công bố; dự báo số lượng HS; phải đảm bảo cơ sở trường lớp, phải dành quỹ đất cho trường học, đầu tư trang thiết bị, nguồn lực cho giáo dục…
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho ngành giáo dục
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho ngành giáo dục

Niềm vui cùng bước vào năm học mới ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành giáo dục.
Sau đây là toàn văn bức thư:
“Thân ái gửi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục, các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Trong không khí vui tươi của ngày khai giảng năm học mới 2020 – 2021, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục, cùng các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tôi vui mừng nhận thấy, năm học 2019 – 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành giáo dục, nhưng với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, ngành giáo dục đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học. Đây cũng là năm học cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của ngành giáo dục, được ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bảo đảm an toàn trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn và những kết quả của ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.
Năm học mới 2020 – 2021, đại dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến mới, tôi đề nghị ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn; nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 của ngành giáo dục và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà; mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Tôi mong các bậc phụ huynh tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tạo điều kiện để con em mình được học tập, rèn luyện tốt nhất.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới”.
TUỆ NGUYỄN – QUÝ HIÊN
TNO