Dịch COVID-19 sáng 4-9: Việt Nam 0 ca mới, Mỹ có thể phân phối vắc xin từ tháng sau
Dịch COVID-19 sáng 4-9: Việt Nam 0 ca mới, Mỹ có thể phân phối vắc xin từ tháng sau
Sáng 4-9, Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 mới. Trong khi đó dịch bệnh tiếp tục phức tạp ở châu Âu. Các tài liệu cho thấy Mỹ sẽ sớm có được một lượng hạn chế vắc xin ngừa COVID-19 từ tháng sau.
Tính đến sáng 4-9, toàn thế giới đã có hơn 26 triệu ca mắc COVID-19, hơn 18,6 triệu người đã hồi phục trong khi 872.000 người không qua khỏi.
Brazil hiện đã vượt mốc 4 triệu ca nhiễm, chỉ đứng sau Mỹ (hơn 6,3 triệu ca) về tổng số ca nhiễm trên toàn cầu.
Việt Nam 0 ca mới, 755/1.046 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi
Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết sáng 4-9, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã 36 giờ qua Việt Nam không có thêm ca bệnh do virus corona.
Tổng số ca bệnh ghi nhận đến nay vẫn là 1.046 trường hợp, trong đó 755 ca đã khỏi, 35 ca tử vong. Ngoài ra 100 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần, dự kiến sẽ sớm được ra viện những ngày tới.
Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 3-9, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nhật Bản đưa hơn 350 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn. Các công dân này, gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng… đã được kiểm tra y tế và đưa đi cách ly đúng quy định.
Mỹ chuẩn bị phân phối vắc xin vào tháng sau?
Theo Hãng tin Reuters, các quan chức y tế liên bang Mỹ đã yêu cầu các bang chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân phối vắc xin đến những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao ngay từ tháng 10-2020. Các tài liệu cho thấy Mỹ có thể có một hoặc hai loại vắc xin sẵn sàng dù số lượng hạn chế.
Mỹ dự kiến ưu tiên cung cấp vắc xin miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, an ninh, nhân viên và người ở các nhà dưỡng lão.
Thời điểm cung cấp vắc xin mang ý nghĩa chính trị lớn tại Mỹ khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11-2020. Washington đã cam kết hàng tỉ USD để sớm có được vắc xin ngừa COVID-19.
Dịch ở châu Âu tiếp tục phức tạp
Anh ngày 3-9 thông báo hơn 1.735 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ đầu tháng 6-2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bác bỏ việc nước này đang bước vào làn sóng dịch thứ hai, một vấn đề còn đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia y tế. Dù vậy, ông hi vọng Anh sẽ sớm triển khai xét nghiệm nhanh đại trà vào cuối năm nay.
Pháp cũng ghi nhận 7.157 ca mắc COVID-19 trong ngày 3-9, ngày thứ hai liên tiếp có số ca trên 7.000 và xấp xỉ mức kỷ lục 7.578 ca vào ngày 31-3-2020.
Đan Mạch trong 24 giờ qua cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất kể từ hồi tháng 4, với 179 ca. Đất nước 5,8 triệu dân này là một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội sau khi khống chế thành công dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới gia tăng nhanh sau đó đã làm chậm tiến trình mở cửa trở lại.
Tương tự, Áo cũng ghi nhận thêm 403 ca bệnh mới trong 24 giờ qua – mức cao nhất kể từ ngày 3-4. Có tới 50% số ca nhiễm mới của Áo là ở thủ đô Vienna. Hiện nước này đã ghi nhận 28.372 bệnh nhân COVID-19, trong đó 735 người tử vong
Na Uy cấm cửa 2 năm với người nước ngoài vi phạm cách ly
Cảnh sát Na Uy vừa trục xuất một người nước ngoài vi phạm cách ly. Người này cũng bị cấm nhập cảnh trong 2 năm và bị phạt 1.900 euro.
Dù không tiết lộ quốc tịch của người bị trục xuất, Na Uy cho biết người này đã vi phạm biện pháp cách ly. Theo quy định hiện tại của Na Uy, những người du lịch từ hầu hết các nước châu Âu phải tự cách ly 10 ngày.
7.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng
Tổ chức Ân xá quốc tế ước tính ít nhất 7.000 nhân viên y tế toàn cầu đã thiệt mạng vì COVID-19. Mexico là nước có nhiều nhân viên y tế tử vong nhất, với hơn 1.300 người, tiếp theo là Mỹ, Anh, Brazil, Nga và Ấn Độ. Con số thực tế có thể còn cao hơn.
“Mọi nhân viên y tế đều có quyền làm việc an toàn và việc có nhiều người phải trả giá bằng sinh mạng là một việc gây phẫn nộ. Trong nhiều tháng, các nhân viên y tế tử vong ở tỉ lệ kinh hoàng tại nhiều nước như Mexico, Brazil và Mỹ, trong khi dịch lây lan nhanh ở Nam Phi và Ấn Độ cho thấy tất cả các nước phải hành động”, ông Steve Cockburn, lãnh đạo phụ trách công bằng xã hội và kinh tế của Tổ chức Ân xá quốc tế, cho biết.
Theo ông Cockburn, nhân viên y tế ở nhiều nước than phiền về việc thiếu các thiết bị bảo hộ và điều kiện làm việc thoáng đãng hơn. Tại Mexico, những người dọn vệ sinh trong các bệnh viện có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất.
“Trong suốt đại dịch, các chính phủ ca ngợi các nhân viên y tế như anh hùng, nhưng thật là giả dối khi quá nhiều nhân viên chết vì thiếu sự bảo vệ cơ bản”, ông Cockburn nói.