01/01/2025

Hậu COVID-19, nền kinh tế phải có chân dung khác

Hậu COVID-19, nền kinh tế phải có chân dung khác

Tôi vừa đến huyện miền núi của một tỉnh phía bắc miền Trung để khảo sát tình hình kinh tế – xã hội. Lãnh đạo huyện hồ hởi “khoe” là họ vừa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại huyện, thu hút hơn 1.000 lao động.

 

Hậu COVID-19, nền kinh tế phải có chân dung khác - Ảnh 1.

Đất nước đặt niềm tin vào giới trẻ – Ảnh: NHƯ HÙNG

Rồi tôi đi thăm nhà máy, trao đổi với công nhân thì biết mức thu nhập trung bình chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, làm việc khá nặng nhọc.

Tôi cảm thấy buồn sau cái sự hồ hởi của lãnh đạo huyện. Tôi góp ý thẳng với họ rằng một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây nhận nhiều ưu đãi, công nhân của ta thì bán sức lao động với giá rất rẻ.

Trong khi một chủ trang trại trồng cây ăn quả đã trả lương cho người lao động 7-9 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp nước ngoài chỉ trả phân nửa. Thu hút đầu tư kiểu như vậy chỉ làm mất tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, bào mòn dần sức lao động của thanh niên trai tráng và không có đóng góp cho việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Dịch COVID-19 đang làm thế giới thay đổi rất ghê gớm. Các quốc gia đều phải thay đổi trạng thái kinh tế, con người phải thay đổi thói quen để sinh tồn. Rồi đây từ việc học hành, mua bán, sản xuất, đi lại, hội họp, vui chơi đều sẽ khác đi.

Công nghệ phát triển rất nhanh, trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi, robot thay thế con người làm việc trong các nhà máy, nhiều người chỉ cần cầm một chiếc điện thoại là có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu…

Kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, mặc dù vẫn đạt được tăng trưởng dương, nhưng đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và bé li ti của chúng ta đang thoi thóp, ngắc ngoải.

Thật may là trong lúc này nông nghiệp và nông thôn vẫn là cứu cánh, hàng trăm ngàn công nhân mất việc làm lại trở về quê để nương tựa vào ruộng vườn. Nhưng một nền kinh tế mà nông nghiệp vẫn có vai trò và tỉ trọng lớn như vậy là một nền kinh tế yếu.

Hậu COVID-19, nền kinh tế phải có chân dung khác - Ảnh 2.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đã ba phần tư thế kỷ kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam mới, với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, đây là thời điểm mà chúng ta cần tranh thủ mọi thời gian và cơ hội để đổi mới và bứt phá.

Gần đây mọi người nhắc nhiều đến từ “cứu” nền kinh tế. Tôi xin nhấn mạnh là phải cứu nền kinh tế tương lai, tức là nền kinh tế mà sau này COVID-19 đi qua thì nó có chân dung khác.

Doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, được trỗi dậy. Đây cũng là lúc mà chúng ta không thể trở lại nền kinh tế cũ được. Muốn nền kinh tế mới thì phải chuẩn bị cho nó lực lượng doanh nghiệp mới. Nếu chỉ doanh nghiệp cũ và cứu xong vẫn cũ thì không có khả năng trụ vững được. Bởi thế giới thay đổi kinh khủng.

Nhìn trên thị trường chứng khoán chúng ta thấy các doanh nghiệp công nghệ đang lên ngôi. Đây là thời của ý tưởng, một ý tưởng tốt có thể bán được ngay, thu hút được hàng tỉ USD tiền góp vốn.

Tôi đề nghị hãy dành tối đa nguồn lực quốc gia để tạo ra một xu thế khởi nghiệp tích cực. Nhà nước cần xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, giống như cách làm của Singapore.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mạnh lên sẽ “thay máu” cho nền kinh tế và đó mới là nền kinh tế tương lai ta hướng tới. Chúng ta phải có tầm nhìn như vậy.

Đã ba phần tư thế kỷ kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam mới, với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, đây là thời điểm mà chúng ta cần tranh thủ mọi thời gian và cơ hội để đổi mới và bứt phá. COVID-19 đang làm đảo lộn, thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới, khó khăn đấy nhưng nó cũng là cơ hội cho chúng ta khởi nghiệp.

Việt Nam phải thay đổi, không ở trạng thái bình thường cũ mà phải tạo ra bình thường mới với những mục tiêu ưu tiên đặt ra phải là những nền tảng công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo. Tất nhiên, mọi thay đổi phải bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn và chính sách.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (L.Kiên – L.Thanh ghi)
TTO