Nhu cầu công nghệ tăng nhanh giữa đại dịch
Nhu cầu công nghệ tăng nhanh giữa đại dịch
Dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ vẫn tăng nhanh.
Tính đến hôm qua (1.9), Apple trị giá 2.200 tỉ USD, Microsoft trị giá khoảng 1.700 tỉ USD, Alphabet (tập đoàn “mẹ” của Google) trị giá khoảng 1.640 tỉ USD và Amazon có giá trị khoảng 1.570 tỉ USD. Đây cũng chính là 4 tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Phố Wall.
Nhu cầu tăng do giãn cách xã hội
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Amazon tăng khoảng 73%. Cuối tháng 8, công ty này ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động. Đó là nhờ bối cảnh dịch Covid-19, nên khách hàng phải ở nhà và đặt mua hàng hóa thiết yếu trực tuyến.
Kỳ vọng ô tô điện
Một công ty khác cũng có giá cổ phiếu gia tăng gần đây là Tesla. Trong phiên giao dịch ngày 1.9, cổ phiếu Tesla đạt mức gần 500 USD, cao hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ đó giá trị vốn hóa của Tesla đạt hơn 400 tỉ USD. Đầu tháng 7, khi giá trị vốn hóa đạt 207 tỉ USD, Tesla đã vượt Toyota (giá trị khi đó khoảng 202 tỉ USD) trở thành tập đoàn ô tô có giá trị lớn nhất thế giới. Và sau 2 tháng, Toyota nay chỉ còn giá trị chưa đến 190 tỉ USD, thì Tesla tăng hơn gấp đôi.
Theo giới phân tích, giá cổ phiếu Tesla tăng nhanh vì các nhà đầu tư bi quan với tương lai của ngành công nghiệp xe hơi truyền thống và rất tin tưởng vào triển vọng của xe điện. Họ cũng đặt niềm tin vào cam kết sản xuất xe tải điện, xe bán tải điện và phần mềm tự lái được nâng cấp của Tesla.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Microsoft cũng tăng từ 136 USD lên mức 225 USD. Trong quý 3 và quý 4 năm tài chính 2020, do đại dịch Covid-19, công ty nhận thấy nhu cầu sử dụng điện toán đám mây, cùng nhiều dịch vụ khác của Microsoft được khách hàng sử dụng nhiều hơn vì phải làm việc tại nhà theo lệnh giãn cách xã hội.
Cuối tháng 8, Alphabet cũng công bố kết quả doanh thu quý mới nhất đạt 39,97 tỉ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 730 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Thực tế, Google thuộc Alphabet đã hưởng lợi không ít trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hầu hết mọi người phải ở nhà nhiều hơn nên cũng tăng mật độ sử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Apple suýt “cháy hàng”
Còn Apple thì có doanh thu quý gần nhất đạt gần 60 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh bị giảm doanh số thì Apple lại bán được iPhone, iPad và MacBook nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của dân chúng cả thế giới vì phải làm việc từ xa nhiều hơn để giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.
Dù phải đóng cửa nhiều Apple Store trên toàn thế giới, nhưng xu hướng làm việc ở nhà và doanh số bán hàng online mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy hoạt động của Apple. Thậm chí, có giai đoạn đầu năm, Apple từng phải cảnh báo khả năng thiếu hàng vì nhu cầu tăng nhanh mà các cơ sở gia công ở Trung Quốc bị ngưng hoạt động.
Theo tờ The New York Times, thời gian để giá trị vốn hóa của Apple đạt 1.000 tỉ USD là 42 năm, kể từ khi công ty này được thành lập vào năm 1976 cho đến tháng 8.2018. Tuy nhiên, chỉ mất tiếp 2 năm để giá trị vốn hóa của Apple tăng gấp đôi, leo lên 2.000 tỉ USD vào ngày 19.8.2020. Và chỉ hơn 10 ngày sau thì giá trị thị trường của Apple đã tăng thêm hơn 200 tỉ USD, vượt mức 2.200 tỉ.
Lý do để có thành tích này là bởi Apple tập trung vào mảng dịch vụ từ năm 2015. Tổng giám đốc Apple Tim Cook nới rộng hướng kinh doanh của tập đoàn này khi xây dựng nhóm sản phẩm quanh iPhone gồm đồng hồ, tai nghe, dịch vụ thuê bao nhạc và ti vi: từ mua sắm trên iTunes, phí App Store, Apple Music, phí bản quyền, bảo hành Apple Care cho thiết bị, cho đến doanh thu từ Apple Pay. Đồng thời, Apple trong 2 năm qua cũng triển khai nhiều dịch vụ thuê bao mới để củng cố hoạt động kinh doanh, như Apple News+, Apple TV+. Năm 2019, Apple giới thiệu thẻ tín dụng Apple Card hợp tác với Goldman Sachs, tích hợp trong phần mềm của iPhone.
Giới quan sát nhận định nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ và dịch vụ liên quan sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO