19/11/2024

Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc

Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc

Ấn Độ đang quyết giành lại sức ảnh hưởng tại khu vực Nam Á và mở rộng hợp tác với các nước nhằm giảm tác động từ Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi trong một cuộc gặp ở New Delhi /// BLOOMBERG
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi trong một cuộc gặp ở New Delhi  BLOOMBERG

Tái kết nối Nam Á

Tuy có mối liên kết với nhiều nước Nam Á nhờ điểm tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo… nhưng cách tiếp cận của Ấn Độ với khu vực bị coi là còn nhiều thiếu sót, như việc trì hoãn thực hiện những dự án đã cam kết hay thái độ “kẻ cả” trong giao thiệp. Điều này khiến các nước trong khu vực tìm đến những đề nghị hợp tác hấp dẫn hơn từ Trung Quốc. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 100 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Afghanistan, Bangladesh, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka trong những năm gần đây.
Tờ South China Morning Post đưa tin Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc họp với các quan chức ngoại giao hàng đầu để bàn về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Từ đầu tháng 8, Thủ tướng Modi liên tục liên lạc với lãnh đạo các nước Nepal và Sri Lanka. Bên cạnh đó, ông cử Thứ trưởng Ngoại giao Harsh Shringla sang Bangladesh để gửi thông điệp đặc biệt đến Thủ tướng Sheikh Hasina nhằm thể hiện sự ủng hộ, trong khi chỉ thị Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar công bố gói hỗ trợ tài chính 500 triệu USD cho Maldives.
Những động thái trên được cho là thể hiện sự sốt sắng của Ấn Độ trong việc tái kết nối với các nước Nam Á trước sự hiện diện ngày càng rõ rệt của Trung Quốc.

Trung tâm cung ứng mới

Trong cuộc đối thoại trực tuyến ngày 1.9, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã nhất trí xúc tiến thành lập Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) trong năm nay, theo tờ Nikkei Asian Review. Cả ba nước đều bị phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và hứng chịu tác động trong chuỗi cung ứng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng như đại dịch Covid-19.
Sáng kiến do Nhật Bản đề xuất với mục tiêu ban đầu là xây dựng chuỗi cung ứng thông qua thỏa thuận hợp tác song phương sẵn có giữa các nước, sau đó mở rộng mạng lưới liên kết với các đối tác tiềm năng như ASEAN. SCRI được coi là phù hợp với chiến lược mới của Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và trở thành “trung tâm của các chuỗi cung ứng”, điều được Thủ tướng Modi đề cập hồi tháng 8.
Chuyên gia về quan hệ Ấn – Nhật Shamshad Ahmad Khan thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi nói rằng cả ba nước Ấn – Nhật – Úc đều hiểu rõ tham vọng của Trung Quốc và coi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là vấn đề cấp thiết. Thời gian gần đây, cả ba đều có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Trung Quốc. “Do đó, việc các nước thực hiện chiến lược mới này để đề phòng Trung Quốc là điều tự nhiên”, theo ông Khan.
Giáo sư Mark Goh thuộc Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định SCRI là cơ hội để Ấn Độ đưa dược phẩm thâm nhập thị trường Úc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm cho việc đưa hàng hóa Úc và Nhật Bản đến Trung Đông và châu Phi, giúp giảm sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực đó.
Reuters ngày 2.9 dẫn lời quan chức Ayushi Sudan tại huyện Anjaw, bang Arunachal Pradesh, cho biết quân đội Ấn Độ đã điều thêm binh lính đến đây sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc ở Ladakh hồi tháng 6. Biên giới Ấn – Trung trải dài từ tây sang đông và phần lớn chưa được phân định. Ladakh nằm ở phía tây trong khi Arunachal Pradesh nằm ở phía đông. Giới chuyên gia an ninh cho rằng đây có thể lại trở thành điểm nóng căng thẳng Ấn – Trung. Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Ấn Độ Harsh Wardhan Pande trấn an rằng việc điều quân đến đây chỉ là hoạt động thường lệ.
BẢO VINH
TNO