18/11/2024

Mỹ muốn lập liên minh kiểu NATO tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc

Mỹ muốn lập liên minh kiểu NATO tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc.
Các chiến đấu cơ của Mỹ, Nhật Bản và Úc tập trận tại Guam vào ngày 19.2 /// INDOPACOM
Các chiến đấu cơ của Mỹ, Nhật Bản và Úc tập trận tại Guam vào ngày 19.2 INDOPACOM
Tờ South China Morning Post ngày 1.9 đưa tin Mỹ muốn lập liên minh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đối phó Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho hay mục đích của chính phủ Mỹ là nhằm để “bộ tứ kim cương” (Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản) cùng các nước khác trong khu vực phối hợp cùng nhau đối phó “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, kế hoạch này nhằm tạo liên minh trọng yếu quanh các giá trị, lợi ích chung của các bên sao cho có thể thu hút thêm các nước ở Indo-Pacific và thậm chí khắp thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ – Ấn Độ, ông nhấn mạnh rằng khu vực Indo-Pacific thực sự thiếu một cấu trúc đa phương mạnh mẽ.
“Họ không có một tổ chức vững chãi như NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Các tổ chức ở châu Á thường không có đủ sự bao hàm… chắc chắn có lúc sẽ cần thành lập một tổ chức như thế”, ông phát biểu và nhắc rằng NATO khởi đầu một cách khá khiêm tốn và nhiều quốc gia ban đầu chọn thái độ trung lập mà chưa tham gia.
Bên cạnh phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Biegun, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng nhấn mạnh về khu vực Indo-Pacific kết nối chặt chẽ hơn, gồm các nước đồng tâm hành động cùng nhau, theo trang web Bộ Tư lệnh Indo-Pacific của Mỹ (INDOPACOM).
Theo ông David Helvey, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách về Indo-Pacific, các chuyến công du của ông Esper đến khu vực là nhằm thúc đẩy khái niệm này.
“Đây là về việc các nước có lợi ích chung và sẵn sàng cam kết dùng tài nguyên hỗ trợ nhau nhằm theo đuổi nhiệm vụ chung”, ông Helvey phát biểu với các phóng viên đi cùng ông Esper.
Theo INDOPACOM, NATO có 30 thành viên cùng phòng thủ, trong khi Indo-Pacific không có tổ chức tương tự, dù Mỹ có hàng loạt mối quan hệ liên minh và đối tác.
Theo ông Helvey, ý tưởng trên nhằm đảm bảo sự vững vàng của Mỹ trước nhiều mối đe dọa khác nhau, trong đó có Trung Quốc vốn là mối lo ngại của nhiều nước trong và ngoài khu vực Indo-Pacific.
“Một trong những điều then chốt trong chiến lược của chúng tôi là nói về việc đặt mối quan hệ với Trung Quốc vào quỹ đạo minh bạch và không gây hấn. Điều đó cần các kênh duy trì và mở để liên lạc với Trung Quốc, và bộ trưởng quốc phòng đã nói với người đồng cấp Trung Quốc nhiều lần rồi”, ông Helvey cho hay.
KHÁNH AN
TNO