14/01/2025

Doanh nghiệp nuôi heo lãi đậm, cán đích dù chưa hết năm

Doanh nghiệp nuôi heo lãi đậm, cán đích dù chưa hết năm

Giá heo hơi liên tục lập đỉnh vào nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp nuôi heo hưởng lợi tưng bừng thu về thu hàng ngàn tỉ đồng. Dù chưa hết năm nhưng đến lợi nhuận đã cán đích, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm, lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng mạnh.

 

Doanh nghiệp nuôi heo lãi đậm, cán đích dù chưa hết năm - Ảnh 1.

Khách hàng đang chọn mua thịt tại một siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: BÔNG MAI

Là gương mặt “vàng” trong “làng” nuôi heo, chỉ trong nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) báo doanh thu hơn 4.605 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm trước.

Đồng thời, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty này cũng đạt trên 750 tỉ đồng, tăng hơn 27 lần so với cùng giai đoạn năm 2019 và cao hơn con số 457 tỉ đồng kế hoạch đặt ra cho cả năm 2020.

“6 tháng đầu năm 2020 ngành chăn nuôi có sự hồi phục, theo đó các đơn vị chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Tập đoàn hoạt động có hiệu quả”, Dabaco lí giải kết quả kinh doanh.

“Phất” lên trông thấy, nửa đầu năm nay lãi cơ bản trên cổ phiếu Dabaco tăng gần 29 lần so với cùng kì trước đó.

Trong vòng 8 tháng, cổ phiếu Dabaco có biến động giá tăng gần 120% (giá đóng cửa thấp nhất hơn 13.700 đồng, cao nhất 56.600 đồng).

Với giá trên, có lúc ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco, được xem như “tỉ phú thịt heo” khi có tài sản gần 1.000 tỉ đồng nhờ sở hữu gần 16,65 triệu cổ phần doanh nghiệp này.

Bức tranh kinh doanh khởi sắc, CTCP Chăn nuôi Mitraco (MLS) tăng doanh thu thuần hơn 80% so với cùng kì năm trước lên 199 tỉ đồng, lội ngược dòng, từ mức âm lãi hơn 20 tỉ đồng cùng kì năm 2019 nay đã lãi ròng hơn 55,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, thống kê giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2020, biến động giá cổ phiếu Mitraco tăng gần 220%, với giá đóng cửa thấp nhất chỉ hơn 5.300 đồng, cao nhất 41.100 đồng. Trong nửa đầu năm 2019 lãi cơ bản trên cổ phiếu của Mitraco âm 5.037 tỉ đồng, thì bán niên 2020 đã đạt 13.923 ngàn đồng (gấp đôi Dabaco).

Doanh thu tăng lên 101 tỉ đồng (+40% so với nửa đầu năm 2019) đã giúp Công ty Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) thoát lỗ lũy kế, lãi gần 50 tỉ đồng, gấp 12 lần cùng kì năm 2019.

Với kết quả này, công ty thực hiện khoảng 89% kế hoạch doanh thu và vượt 77% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong 8 tháng qua, biến động giá cổ phiếu của Chăn nuôi Phú Sơn tăng đến 41%.

Dù mới bước chân vào ngành chăn nuôi, nhưng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng hưởng lợi lớn khi lợi nhuận nửa đầu năm nay từ mảng nông nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi, chiếm tới 900 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước chỉ khoảng 120 tỉ đồng.

Chiếm quy mô áp đảo thị trường, báo cáo bán niên 2020 của C.P Group (công ty mẹ của C.P Việt Nam) cho thấy doanh thu tăng vượt trội hơn 35% lên mức 52,5 tỉ baht (xấp xỉ 39.000 tỉ đồng).

Thực tế, gắn bó với thịt heo, nhưng thời gian qua vẫn có doanh nghiệp tăng trưởng âm. Là đơn vị sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt, dù doanh thu quý II-2020 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019, song lợi nhuận sau thuế của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, VSN) lại giảm hơn 30% xuống 41 tỉ đồng.

Vissan giải thích một trong những nguyên nhân chủ yếu do giá mua nguyên liệu chính đầu vào, cụ thể là giá heo hơi tăng mạnh 127%, trong khi giá bán thịt heo (sản phẩm chủ lực) tăng thấp hơn với bình quân 53%.

Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PT NT) đến tháng 7-2020 tổng đàn heo của cả nước xấp xỉ 25,18 triệu con.

Đàn heo thịt của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo lớn đạt trên 4,88 triệu con, tăng so 46,8% so với đầu năm nay và tăng 52,8% so với đầu năm ngoái (trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện).

16 doanh nghiệp chăn nuôi heo đặt kế hoạch đến hết quý III này đạt 5,17 triệu con, quý 4 đạt 5,36 triệu con (ước tăng 68% so với đầu năm 2020).

BÔNG MAI
TTO