Chúa Nhật XXII TN A 2020: Trả lời trọn vẹn cho Chúa Giêsu

Dù được Đức Chúa Cha mạc khải và Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng nội dung lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng Phêrô cũng như rất nhiều người tín hữu chúng ta vẫn chưa hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu để có thể bước theo Người.

Chúa Nhật XXII TN A 2020

Trả lời trọn vẹn cho Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Dù được Đức Chúa Cha mạc khải và Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng nội dung lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng Phêrô cũng như rất nhiều người tín hữu chúng ta vẫn chưa hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu để có thể bước theo Người.

1. Hiểu nửa vời về Đức Giêsu Kitô

Mặc dù đã dạy môn Kitô học 40 năm và cũng trải qua nhiều chục năm trong cuộc đời, tôi vẫn thấy mình hầu như chưa hiểu được gì về Đức Giêsu. Rất nhiều điều chúng ta nhận được mới chỉ là những hiểu biết nửa vời. Thật vậy, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là Người được xức dầu để làm vua, làm tư tế, làm tiên tri, nhiều người chúng ta hầu như chỉ biết một nửa nội dung các sứ mệnh đó.

Chúng ta muốn được chia sẻ vinh quang, uy quyền và chiến thắng của vua Giêsu, nhưng lại không muốn chiến đấu cách mạnh mẽ và ác liệt với đầy những thương tích trên mình như Người. Hiểu Đức Giêsu là tư tế, chúng ta muốn dâng hiến lễ vật quý giá như một tư tế cấp cao trong ngôi thánh đường đẹp đẽ với lễ nghi trang trọng. Nhưng chúng ta lại quên mình là một lễ vật, nhất là một lễ vật toàn thiêu, giống như Đức Giêsu dâng trên bàn thờ thập giá, tủi nhục, trần trụi, cô đơn.

Chúng ta muốn thực hiện sứ mạng làm tiên tri để loan báo những lời uy quyền như Đức Giêsu cho gió yên biển lặng, cho người bệnh được lành, cho người chết sống lại, nhưng ta lại không thở được Thần Khí của Người. Vì thế, lời tiên tri của ta chỉ làm vui tai con người, chứ không đẹp lòng Thiên Chúa và không có hiệu quả thiêng liêng. Lời loan báo Tin Mừng của chúng ta chỉ vẽ ra cho người nghe một tương lai tươi sáng, nhưng lại không chỉ cho họ con đường sự thật và sự sống, nên ta mới chỉ là những tiên tri nửa vời!

Chúng ta muốn loan báo Đức Giêsu là Con một Thiên Chúa, đến đem sự sống kỳ diệu phi thường cho con người và thế giới, nhưng ta lại quên loại trừ kiểu sống phàm tục, tội lỗi, dơ bẩn ra khỏi con người mình.

Vì thế, để giúp ta loan báo Người một cách trọn vẹn, Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết một Đức Kitô toàn diện “sẽ phải chịu nhiều đau khổ, do những kẻ cầm quyền cả đạo lẫn đời gây ra, bị giết chết nhục nhã trên thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Người mời gọi những ai muốn theo Người, muốn tiếp tục công trình cứu độ của Người, muốn trở thành nhà cách mạng thay đổi thế giới “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Khi chúng ta không dám từ bỏ sự sống tạm bợ, nghèo hèn, mà ta đang bám víu vào để tìm đạt lợi danh, quyền lực, chúng ta sẽ mất nó và chẳng cứu được mình. Còn ai dám hy sinh tất cả sự sống vì Chúa Giêsu và vì công trình cứu độ của Người, thì sẽ nhận được sự sống tuyệt vời, vĩnh hằng và kỳ diệu của Thiên Chúa.

Đó là Đức Kitô, Con Thiên Chúa trọn vẹn, mà mỗi người chúng ta, giống như tiên tri Giêrêmia, đã bị quyến rũ (x, Gr 20,7-9). Chúng ta để cho Ngài quyến rũ vì Ngài là người yêu tuyệt vời, là tất cả của chúng ta. Khi ta bị khuất phục bởi quyền năng và tình yêu bao la của Ngài để trở thành người tình của Thiên Chúa, ta mới dám đón nhận tất cả những sỉ nhục, nhạo cười, phỉ báng trong sứ mệnh cũng như trong ơn gọi của mình giống như Giêrêmia. Nhiều lần ông muốn bỏ cuộc, không còn muốn theo Ngài. Nhưng Giêrêmia bị quyến rũ bởi lời của Thiên Chúa luôn bừng cháy trong lòng ông như ngọn lửa. Đó cũng chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người của chúng ta. Ông đã nuốt lời ấy vào trong lòng của mình và chúng ta cũng được thôi thúc giống như ông để trung thành mãi mãi với sứ mệnh cứu độ.

2. Tại sao chúng ta lại hiểu Đức Kitô nửa vời như vậy?

Bài Tin Mừng còn kể cho chúng ta: vì hiểu biết nửa vời nên Phêrô đã can gián Đức Giêsu thực hiện chương trình cứu độ và bị Chúa Giêsu gọi là Satan. Điều này gợi ý cho chúng ta thấy rằng: ngay cả những người lãnh đạo cộng đoàn Giáo Hội, chứ không phải những tín hữu Kitô bình dân, cũng có thể hiểu sai về Đức Giêsu. Vì thế, ta cần phải khiêm tốn thú nhận lầm lỗi, cố gắng học hành và thiết tha cầu nguyện để đón nhận được ơn mạc khải của Chúa Cha.

Tuy nhiên, vấn đề ta muốn tìm hiểu hôm nay là tại sao lại có chuyện đó. Đó là vì tinh thần của con người luôn bị Satan tác động. Nói như vậy có vẻ như mê tín và đổ lỗi cho quỷ ma về những sai trái của con người. Nhiều tín hữu thời nay, thậm chí cả các linh mục, tu sĩ, do ảnh hưởng của tâm thức duy lý, duy vật, duy khoa học thực nghiệm, nên cho rằng không hề có chuyện ma quỷ hiện ra cám dỗ Đức Giêsu hay con người. Họ cho rằng sự việc ma quỷ cám dỗ trong Tin Mừng (x. Lc 4,1-13) chỉ là một huyền thoại hay do đầu óc tưởng tượng thêu dệt nên để dạy bài học đạo đức chứ không có thật trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ im lặng, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, chính thức nhắc nhở ta về sự hiện diện thật sự của ma quỷ (x. GLHTCG, số 391-392; 414; 2.891) với những công việc ác đức của chúng (x. GLHTCG, số 1237, 394-395.398; 2.851-2.852). Nhất là số 130 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, xuất bản năm 2004, nhắc nhở ta rằng: tinh thần con người mở ra đến vô biên và cho mọi loài hiện hữu. Vì thế, con người có thể tiếp xúc được với Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, với các tinh thần tương đối là các thiên thần, trong đó có cả các thiên thần sa ngã là quỷ dữ, với các hồn người đã khuất, bao gồm các thánh nhân, các hồn cần được thanh luyện và cả hồn ác là những tà ma gây hại cho con người (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, tr. 106-116).

Sách Giáo lý gọi chung quỷ dữ tà ma là “ma quỷ”, theo từ gốc Hy Lạp dia-bolos (tiếng Anh diabolic, tiếng Pháp diable), có nghĩa là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô (x. GLHTCG, số 2.851). Chính ma quỷ đang muốn cám dỗ con người làm ngược lại kế hoạch cứu độ của Chúa. Thủ lĩnh ma quỷ là Satan, nên Chúa Giêsu dùng từ Satan để nói với Phêrô, như muốn gợi ý cho mỗi người chúng ta cần phải quan tâm đến những sai lạc, mà ma quỷ luôn gợi ra trong tâm trí của mình.

Chúng là tinh thần nên luôn khuấy động tâm trí ta bằng những tư tưởng sai lạc, những ước muốn thành công dễ dàng, vang dội và mau chóng, như đã từng cám dỗ Đức Giêsu. Chỉ cần làm vài lần hoá bánh ra nhiều, chỉ cần có nhiều quyền lực để giải phóng con người, chỉ cần vài phép lạ làm cho người bệnh được khỏi hay cho kẻ chết sống lại, được thông báo trước cho giới truyền thông, là ta sẽ thành công vang dội trong công cuộc truyền giáo…

Ta thấy những loại cám dỗ này đang tràn ngập trên các sách báo, phim ảnh, băng nhạc, trong bài diễn văn của các nhà lãnh đạo thế giới, trong phong cách sống phóng đãng xa hoa của các doanh nhân thành đạt, hay của các diễn viên, cầu thủ nổi tiếng, và trong cả sinh hoạt của những giáo xứ Công giáo. Chúng đã nhiều lần làm cho tâm trí ta chao đảo đối với sứ mệnh cứu độ mà Đức Giêsu trao phó cho ta.

Vì thế, Đức Giêsu cảnh báo cho Phêrô và chúng ta rằng: “Anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Do đó, chúng ta rất cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn để phân biệt được điểm nào đúng, điểm nào sai, điểm nào do ma quỷ gợi ý và điểm nào do Thiên Chúa sáng soi. Thánh Ignatio Loyola đã gợi ý cho ta các nguyên tắc căn bản để khám phá ra những mưu chước của ma quỷ trong tâm hồn con người” (x. Ignatiô Loyola, Những bài Linh thao, Bản dịch của Lm. Đinh Văn Trung, SJ. số 314-315, tr.188-189; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, tr.110-111).

Lời kết

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta trên đường đời để ta can đảm và quảng đại bước theo Chúa Giêsu như một môn đệ trung tín, như một người tình chung thuỷ. Lúc đó ta có thể bắt chước thánh Phaolô: “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

 

Nguồn: HKK