22/12/2024

‘Vựa tôm xuất khẩu’ thắng lớn

‘Vựa tôm xuất khẩu’ thắng lớn

Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng hoạt động xuất khẩu tôm tiếp tục khởi sắc hơn trong thời gian tới, nhất là sang thị trường châu Âu, sau khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1-8.

 

Vựa tôm xuất khẩu thắng lớn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm tại Sóc Trăng thu hút thêm nhiều nhân công nhờ hoạt động xuất khẩu tôm khởi sắc thời gian gần đây – Ảnh: Khắc Tâm

Với kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh, kéo giá tôm nguyên liệu tăng theo, các doanh nghiệp chế biến tôm tại Sóc Trăng – một trong những địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm – cũng trở thành nơi tiếp nhận hàng ngàn công nhân mất việc do dịch COCID-19 trở về quê nhà.

Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng hoạt động xuất khẩu tôm tiếp tục khởi sắc hơn trong thời gian tới, nhất là sang thị trường châu Âu, sau khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1-8, chưa kể nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu lớn khác.

Xuất khẩu tôm “vượt khó” mùa dịch

Ông Võ Văn Phục – tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Sóc Trăng) – cho biết vừa xuất lô hàng tôm sang thị trường EU, nâng kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 8 của DN đạt 15 triệu USD.

Đây là lô hàng đầu tiên của DN này xuất sang EU sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực (từ 1-8), góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm của DN này trong 8 tháng đầu năm lên 80 triệu USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phục, thị trường xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm rất khả quan, không có gì đáng lo ngại, bản thân DN cũng đang có nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá tốt.

“Chúng tôi đang tập trung chế biến các mặt hàng tôm có giá trị cao để xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Chỉ lo thiếu nguyên liệu, không đủ cung phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu” – ông Phục nói.

Ông Hồ Quốc Lực – chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta – cho biết dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất khẩu tôm của DN này vẫn ổn định, góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của DN trong 8 tháng đầu năm tăng khoảng 9%.

“Nếu không có gì thay đổi lớn, xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn trong tháng 9 và những tháng cuối năm vẫn sáng sủa. Những DN chế biến hàng giá trị cao không thiếu thị trường” – ông Lực nhận định.

Theo ông Lực, dịch bệnh đã làm đảo lộn nhiều thứ, trong đó có thói quen của người tiêu dùng. Trong điều kiện bình thường trước đây, hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… tiêu thụ tôm mạnh.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, hạn chế đi lại, người tiêu dùng nước ngoài chuyển sang mua hàng ở siêu thị về nhà tự nấu ăn. “Lượng tiêu thụ tôm trong hệ thống bán lẻ những tháng gần đây tăng mạnh, nhờ vậy con tôm xuất ngoại được thuận lợi” – ông Lực thông tin thêm.

Ông Võ Văn Chiêu – giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng – cho biết trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm của địa phương đạt khoảng 500 triệu USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều DN đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (tăng 40%), Công ty CP Thủy sản sạch VN (tăng 26%), Công ty CP thực phẩm Sao Ta (tăng 9%)…

“Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường xuất khẩu, các DN chế biến tôm vẫn giữ phong độ, góp phần tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân, không để công nhân mất việc là rất đáng ghi nhận” – ông Chiêu cho biết.

Người nuôi tôm được mùa, được giá

Trong ngày 29-8, theo ghi nhận của chúng tôi, giá tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg được các DN mua vào ở mức 183.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 153.000 đồng/kg và loại 40 con/kg có giá 128.000 đồng/kg.

Theo nhiều DN chế biến tôm, một khi hoạt động xuất khẩu tốt, giá tôm nguyên liệu cũng tăng theo. “Nếu xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm, giá tôm sẽ còn tăng thêm, ít nhất kéo đến tháng 3 năm sau. Đây là tín hiệu tốt cho nông dân nuôi tôm” – ông Phục nói.

Ông Tám Khởi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) – chủ 2 ao tôm – cho biết tại thời điểm thả giống, giá tôm thương phẩm khá thấp, chỉ ngang ngửa với chi phí đầu tư nên nhiều người nuôi tôm rất lo lắng giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp và khó bán vào thời điểm thu hoạch.

“Sau khi xuống giống, tui cũng rất hồi hộp, không dám mạnh tay cho tôm ăn nhiều. Nhưng với giá tôm như hiện nay tui rất an tâm nên cho tôm ăn nhiều hơn. Hi vọng giá tôm vẫn giữ ở mức cao trong 2 tháng tới, khi tui thu hoạch 2 ao tôm” – ông Khởi kỳ vọng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tới (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cũng cho biết rất vui khi thấy giá tôm nguyên liệu tăng trở lại và đứng ở mức cao sau một thời gian dài cứ lẹt đẹt.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá tôm nguyên liệu trong những tháng đầu năm ở mức thấp, nông dân đắn đo không dám cải tạo ao, thả giống. Và tiếp theo đó là hạn hán, xâm nhập mặn khiến thiếu nước, độ mặn cao.

“Tôi cải tạo xong 5 ao nhưng cứ ngồi ngóng, thăm dò tình hình. Nuôi tôm đầu tư nhiều vốn, rủi ro cao nên phải hết sức thận trọng để không trắng tay. Thấy giá tôm khởi sắc trở lại tôi mới quyết định thả giống” – ông Tới cho biết.

Theo ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, vụ thả nuôi tôm năm nay chậm hơn khoảng 30 ngày so với vụ tôm năm trước, sau khi môi trường ổn định nhờ mưa nhiều và giá tôm có dấu hiệu khởi sắc, nông dân tập trung thả giống.

Đến nay, Sóc Trăng thả nuôi được khoảng 35.000ha, đạt 70% kế hoạch. “Người dân đang khẩn trương cải tạo ao, thả thêm 15.000ha còn lại.

Nhiều diện tích thả nuôi trước, tôm được khoảng 60 ngày tuổi, phát triển tốt. Dự kiến khoảng 50 ngày nữa nông dân Sóc Trăng có tôm thu hoạch” – ông Quyết nói.

Những “mái nhà” đón nhận công nhân thất nghiệp

Không chỉ tác động tích cực đến giá nguyên liệu, nhiều công ty chế biến xuất khẩu tôm còn trở thành nơi đón nhận nhiều công nhân mất việc tại các thành phố lớn do dịch Covid-19 trở về quê tìm việc làm.

Ông Thạch Hên (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết do làm quanh năm không đủ ăn bởi ruộng đất ít, sau khi học hết cấp III, hai đứa con của ông lên TP.HCM làm công nhân ở một xí nghiệp may mặc.

Sau một thời gian, vợ chồng ông cũng khăn gói theo để tìm việc làm. Nhờ con gái tìm chỗ trước, hai vợ chồng ông được vào làm tại bếp ăn cùng công ty với con.

Sau một năm, cả gia đình tích cóp được một số vốn với dự tính sửa lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, nhưng rồi cả nhà bị mất việc do dịch Covid-19.

Cả nhà lại gồng gánh trở về quê. May mắn là chỉ hơn tháng sau, vợ ông Hên và hai cô con gái xin vào làm công nhân tại một nhà máy chế biến tôm trong KCN An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng).

“Gia đình tôi may mắn vì còn tìm được việc làm sau khi thất nghiệp, chứ nhiều người vẫn đang nằm nhà chờ việc. Lương làm ở đây không cao như Sài Gòn nhưng được cái gần nhà, không tốn tiền thuê nhà trọ” – chị Thanh (con ông Hên) chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Trong – trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay số lượng công nhân của KCN An Nghiệp tăng trên 2.000, nâng tổng số lên 15.000 công nhân, chủ yếu là do các nhà máy chế biến tôm tiếp nhận.

“Xuất khẩu tốt nên các nhà máy nhận toàn bộ công nhân bị thất nghiệp từ các thành phố lớn trở về quê. Có công ty nhận từ 400 – 500 công nhân, không để người lao động lao đao, một nghĩa cử rất đáng trân trọng” – ông Trong trải lòng.

KHẮC TÂM
TTO