22/01/2025

Từng bị chỉ trích, Nga giờ mỉa mai Mỹ, Anh đòi rút ngắn quy trình vắc xin

Từng bị chỉ trích, Nga giờ mỉa mai Mỹ, Anh đòi rút ngắn quy trình vắc xin

Nga nói rằng các nước Anh, Mỹ tuy hoài nghi vắc xin COVID-19 của Matxcơva nhưng giờ lại muốn đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin, cho phép sử dụng khẩn cấp trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm thứ 3.

 

Từng bị chỉ trích, Nga giờ mỉa mai Mỹ, Anh đòi rút ngắn quy trình vắc xin - Ảnh 1.

Mỹ mới đây nói rằng có thể đẩy nhanh quá trình thông qua vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Ông Kirill Dmitriev – người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga (tài trợ cho dự án nghiên cứu loại vắc xin ngừa COVID-19 vừa được Nga thông qua đầu tháng 8-2020) – nói rằng Mỹ và Anh muốn “bắt chước” quy trình đăng ký nhanh các loại vắc xin chống virus corona chủng mới mà Nga đã áp dụng.

“Thế giới phương Tây bị sốc trước thành công của Nga và phải trải qua các bước để tiếp nhận: phủ nhận, tức giận, buồn bực và cuối cùng là chấp nhận.

Tuyên bố gần đây cho thấy một số đối tác phương Tây đã sẵn sàng vượt qua giai đoạn buồn bực và chấp nhận rằng hướng tiếp cận của Nga là đúng”, Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Dmitriev phát biểu ngày 31-8.

Tuyên bố mà ông Dmitriev nhắc đến là việc ông Stephen Hahn – lãnh đạo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ, hôm 30-8 nói rằng nước này có thể cấp phép cho vắc xin trước giai đoạn 3 nếu thấy lợi nhiều hơn hại.

“Tùy vào bên tài trợ nộp đơn xin cấp phép hoặc thông qua, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Nếu họ nộp đơn trước khi kết thúc giai đoạn 3, chúng tôi có thể coi đó là phù hợp”, ông Hahn nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố Mỹ có thể thông qua vắc xin ngừa COVID-19 trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3-11.

Tuần trước, Chính phủ Anh cũng đề ra kế hoạch cho phép cơ quan quản lý thuốc trong nước thông qua vắc xin ngừa COVID-19 trước khi nó được Cơ quan quản lý thuốc châu Âu chấp thuận.

Anh và Mỹ trước đó đều bày tỏ lo ngại khi Nga ngày 12-8 tuyên bố đã phê duyệt loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 31-8 cho biết nước này sẽ tiêm vắc xin cho các nhóm dân số có nguy cơ cao trong cuối năm nay.

Châu Âu góp 400 triệu euro cho sáng kiến mua vắc xin của WHO

EU cho biết sẽ đóng góp 400 triệu euro, khoảng 476 triệu USD, cho sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm mua vắc xin COVID-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình, theo Hãng tin Reuters. Sáng kiến COVAX hướng đến mục tiêu mua 2 tỉ liều vắc xin cho toàn thế giới đến hết năm 2021.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang đại diện cho khu vực này thu mua vắc xin từ nhiều hãng dược trên thế giới.

TRẦN PHƯƠNG
TTO