23/01/2025

Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc

Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc

Khi tên lửa Trung Quốc bao trùm chuỗi đảo thứ nhất, Mỹ dần chuyển sang chuỗi đảo thứ hai, lấy đảo Guam làm mắt xích quan trọng. Hải quân và thuỷ quân lục chiến Mỹ được cải tổ mạnh mẽ, với Trung Quốc là mục tiêu đối phó chính.

 

Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Sự phối hợp giữa thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ đang được tăng cường. Trong ảnh: Một tiêm kích thuộc phi đội F-35B của thủy quân lục chiến cất cánh từ boong tàu đổ bộ tấn công USS America thuộc hải quân Mỹ – Ảnh: US NAVY

Dù không công khai thừa nhận, Mỹ đang tiến hành các bước đi củng cố chuỗi đảo thứ hai và bớt tập trung vào chuỗi đảo thứ nhất.

Chuyến thăm lịch sử của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Palau hôm 28-8 đã phản ánh điều này, cho thấy chiến lược tái bố trí nguồn lực quân sự về châu Á của Mỹ.

Giữ chắc chuỗi đảo thứ hai

Chuỗi đảo thứ nhất xuất phát từ cực nam đảo Kyushu, chạy qua các quần đảo Okinawa và Lưu Cầu tới phía bắc đảo Luzon của Philippines.

Chuỗi đảo thứ hai cũng bắt đầu từ Nhật Bản nhưng cách xa Trung Quốc đại lục, đi qua các quần đảo Palau, Micronesia, Guam và kết thúc ở Indonesia. Đối với Mỹ, hai chuỗi đảo này đóng vai trò như các “phên giậu” ngăn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lấy các mắt xích trong hai chuỗi đảo trên làm mục tiêu trong các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo. Chiến lược “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) mà Bắc Kinh đề ra hướng tới việc đẩy các lực lượng Mỹ càng xa Trung Quốc đại lục càng tốt.

Trong các báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc không giấu việc tên lửa đạn đạo Trung Quốc đã vươn tới hầu hết các căn cứ trong chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với dân số chỉ vài chục ngàn người, Palau nằm cách Guam khoảng 1.200km về phía tây nam và được dự báo sẽ trở thành một mắt xích trong chuỗi đảo thứ hai.

Thỏa thuận giữa hai nước cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở Palau, đổi lại các công dân Palau có thể gia nhập quân đội Mỹ.

Washington dự định sẽ đặt một trạm radar cảnh báo tầm xa ở Palau trước năm 2026, theo đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc - Ảnh 2.

Tầm bắn các loại tên lửa Trung Quốc tại châu Á (khoảng cách tính từ bờ biển Trung Quốc đại lục). Guam và Palau nằm hoàn toàn trong tầm bắn của DF-26 – Nguồn: CSIS, Bộ Quốc phòng Mỹ – Đồ họa: DUY LINH

Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Viện nghiên cứu RAND (Mỹ), nhận định chuyến thăm của ông Esper cho thấy Washington đang ngày càng xem trọng ý nghĩa chiến lược và quân sự của các nước trong Hiệp ước Liên kết tự do (COFA) gồm Palau, Micronesia và quần đảo Marshall.

“COFA cho phép quân đội Mỹ tiếp cận hầu như không bị hạn chế vào một khu vực có diện tích bằng lục địa Mỹ. Các đảo quốc này cũng nằm trong chuỗi đảo thứ hai và tiếp giáp với Guam, nơi có hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú”.

Chuyên gia Grossman lập luận nếu muốn dự báo sức mạnh và khả năng đáp trả quân sự của Mỹ nếu có biến ở eo biển Đài Loan, Biển Đông hay biển Hoa Đông, chỉ cần nhìn vào các lực lượng Mỹ ở chuỗi đảo thứ hai.

Răn đe bằng sự mơ hồ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) ở TP.HCM, lưu ý về nhiều động thái cho thấy Mỹ đang tiến hành cải tổ mạnh mẽ các lực lượng.

Đầu tiên là về hải quân, theo ông Thế Phương, tư duy hải quân phải đối phó được hai đối thủ cùng lúc đang dần bị thay thế bằng quan điểm chỉ cần tập trung vào một đối thủ. Washington cũng quay trở lại việc đóng mới các tàu khinh hạm mang tên lửa dẫn đường thay vì tàu khu trục và tàu tuần dương trên 8.500 tấn.

“Sau Chiến tranh lạnh, vai trò của các tàu chiến cỡ lớn như vậy đã không còn phù hợp. Các khinh hạm và tàu chiến đấu ven bờ tỏ ra hiệu quả hơn trong các vùng biển gần Trung Quốc”, chuyên gia SCIS lưu ý việc Mỹ đã chọn khinh hạm lớp FREMM do Ý và Pháp cùng phát triển hồi tháng 7, đặt kế hoạch mua 20 chiếc.

Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc - Ảnh 3.

Máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ – Ảnh: US AIRFORCE

Về thủy quân lục chiến, học thuyết mới của lực lượng này chỉ nhắm tới tăng cường năng lực đổ bộ và chiếm đảo, bờ biển. “Mỹ muốn giảm bớt vai trò của thủy quân lục chiến trong các cuộc chiến trên bộ và tập trung vào nhiệm vụ cơ bản nhất của lực lượng này như Thế chiến thứ hai”, ông Thế Phương giải thích.

Về không quân, việc Mỹ chấm dứt sự hiện diện thường xuyên của các máy bay ném bom chiến lược ở Guam là một bước đi chiến lược.

Hồi tuần trước, Washington đã điều máy bay ném bom tàng hình B-2 tới Diego Garcia, một hòn đảo nhỏ thuộc Anh nằm giữa Ấn Độ Dương. Khoảng cách từ Diego Garcia tới Biển Đông cũng bằng khoảng cách từ Guam tới vùng biển này.

“Mỹ không muốn lạy ông tôi ở bụi này nữa. Sức mạnh răn đe mới của Mỹ nằm ở sự mơ hồ. Việc liên tục phát các thông tin điều máy bay tới căn cứ này hay căn cứ kia có hai tác dụng.

Thứ nhất, trấn an các đồng minh đang lo sợ Mỹ rời bỏ khu vực. Thứ hai, gởi thông điệp tới Trung Quốc rằng Washington có khả năng triển khai các máy bay ném bom chiến lược trong thời gian ngắn khi cần thiết”, chuyên gia Thế Phương nhận định.

Bài toán tên lửa ở Nhật

Hiện vẫn còn nhiều đồn đoán về việc Mỹ sẽ triển khai tên lửa tấn công hay phòng thủ đến Đông Bắc Á. Theo giới quan sát, nếu muốn giảm rủi ro cho các căn cứ trong chuỗi đảo thứ hai, Mỹ nên triển khai tên lửa đủ sức bắn hạ tên lửa đạn đạo Trung Quốc trong giai đoạn đang lấy độ cao và chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của quỹ đạo bay.

Giới quan sát đang kỳ vọng sẽ có một số chỉ dấu cho thấy kết quả cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Nhật Taro Kono ở Guam hồi tuần trước.

DUY LINH
TTO