23/01/2025

Lạm phát 8 tháng tăng gần 4%

Lạm phát 8 tháng tăng gần 4%

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng năm 2020, theo đó lạm phát – chỉ số tiêu dùng CPI 8 tháng ghi nhận tăng 3,96% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 tăng 0,07%.

 

Lạm phát 8 tháng tăng gần 4% - Ảnh 1.

Giá thịt heo tăng vẫn là nguyên nhân chính đẩy CPI 8 tháng tăng cao – Ảnh: MAI HƯƠNG

Nguyên nhân lạm phát tháng 8 tăng 0,07% so với tháng 7 – theo Tổng cục Thống kê – là do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa diện rộng trên cả nước khiến nguồn cung rau giảm làm cho chỉ số giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng.

Giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu ở mức cao so với nhiều năm gần đây. Giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố theo Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong rổ hàng hóa tính CPI, có 7 nhóm hàng tăng giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giao thông tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%.

Chỉ có 3 nhóm hàng giảm giá là may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có mức giá ổn định.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng năm 2020, lạm phát tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019.

Đây là mức tăng bình quân 8 tháng năm cao nhất trong 5 năm gần đây, trong đó, chỉ số CPI khu vực thành thị tăng 3,51%, khu vực nông thôn tăng 4,41%.

Tổng cục Thống kê nhận định các nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2020 là do tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 8 tháng năm nay tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 8 tháng tăng 14,44% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,07%, trong đó riêng giá thịt heo tăng 70,95% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,41%.

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 8 tháng năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 8 tháng qua, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 1,61% và các loại quần áo may sẵn tăng 0,92% so với cùng kỳ năm 2019.

B.NGỌC
TTO