‘Lái xe cố tình đi vào làn thu phí không dừng gây kẹt xe, phải xả làn’
‘Lái xe cố tình đi vào làn thu phí không dừng gây kẹt xe, phải xả làn’
Do chưa áp dụng quy định xử phạt, nhiều lái xe không dán thẻ thu phí không dừng cố tình đi sai vào làn ETC, gây ùn tắc, phải xả làn.
Hôm nay, 31.8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kiểm tra công tác thu phí không dừng tại các dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành – nhà đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, cho biết đơn vị này đã lắp đặt hệ thống ETC tại 44/44 làn thu phí, hiện đang vận hành thực tế 18/44 làn, tương ứng 41%.
Trong tháng đầu triển khai, tỷ lệ trung bình xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động là 13%. Sau gần 3 tháng triển khai ETC, tỷ lệ xe sử dụng qua trạm đã tăng lên 28%, tương đương 23.000 lượt xe/tháng.
Theo nhà đầu tư này, để tiếp tục vận động các phương tiện dán thẻ E-tag, bên cạnh các biện pháp về hành chính cần khuyến khích bằng cơ chế ưu tiên cho chủ phương tiện, ví dụ, giảm 5 – 7% phí trong năm đầu.
Cho biết khó khăn hiện nay là trạm BOT chưa có đủ chế tài xử phạt, theo ông Khôi, tình trạng xe không dán thẻ E-tag đi vào làn ETC khiến hệ thống thu phí không dừng cũng bị ảnh hưởng. Trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ đã lập biên bản hơn 30.000 lượt xe vi phạm, yêu cầu phải ký cam kết nếu vi phạm lần 2, lần 3 sẽ từ chối phục vụ, nên số lượng xe vi phạm cũng giảm dần.
“Hiện làn ETC lưu lượng xe khoảng 30%, trong khi làn thu phí thủ công xe chiếm tới 70%, dồn vào gây ùn tắc rất lớn”, ông Khôi cho biết.
Với tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình (nối thông với tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ), ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết hiện mới chỉ lắp đặt thu phí tự động tại 15/40 làn, nên tỷ lệ xe trả phí tự động mới đạt khoảng 22% tổng số xe.
“Một số lái xe cố tình đi vào làn ETC gây kẹt xe, lực lượng cảnh sát giao thông cũng xuống trạm phối hợp xử lý nhưng không được, nên phải xả làn. Nhiều xe cố tình đi vào trạm này bằng vé tay, đi ra trạm kia bằng làn tự động”, ông Nhi cho biết.
Triển khai thu phí tự động từ 11.8 tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi), cho biết đến nay đã lắp đặt 32/62 làn ETC. Tuy nhiên, tỷ lệ xe sử dụng làn thu phí tự động mới chỉ đạt 6,4% lượt xe (khoảng 2.000 xe/ngày).
Tích hợp với tài khoản ngân hàng
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) – nhà đầu tư dự án thu phí tự động giai đoạn 1 (BOO1), hiện cả nước đã có 38 trạm thu phí áp dụng thu phí tự động. Tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC đạt 33%, tăng khoảng 10% so với trước đây.
Đáng chú ý, trong tháng 9 tới, đơn vị phối hợp với ngân hàng để tự động tích hợp tài khoản Ngân hàng BIDV với tài khoản trả phí tự động xe ô tô để thuận lợi cho chủ phương tiện.
|
Kết luận tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận tỷ lệ dán thẻ E-tag ngày càng tăng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, chậm nhất đến cuối năm 2020, tất cả các trạm thu phí phải áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng, vì vậy, các đơn vị phải nỗ lực hơn trong triển khai.
Phê bình VETC triển khai liên thông kết nối tài khoản ngân hàng quá chậm, theo Bộ trưởng Thể, cách đây 1 năm rưỡi ông đã yêu cầu VETC thực hiện, nhưng theo báo cáo tới tháng 9 này mới triển khai được. Việc kết nối thẻ sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, không phải nộp tiền vào tài khoản ETC, mà được trích tự động từ tài khoản ngân hàng, tiền còn lại trong thẻ vẫn phát sinh lãi.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC cần báo cáo ngay Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước để có phương án vốn, hoàn tất lắp đặt làn ETC tại các làn còn lại cũng như 4 dự án cao tốc của doanh nghiệp này quản lý. Trước tình trạng nhiều xe ô tô chưa dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản nhưng vẫn lưu thông vào làn thu phí tự động, gây chậm trễ, bức xúc cho phương tiện khác, Bộ trưởng GTVT yêu cầu đơn vị thu phí cần sớm khắc phục.
“Việc để lộn xộn tại trạm thu phí có một phần trách nhiệm của nhà đầu tư, cần phải tổ chức lực lượng hướng dẫn, thông báo, phân luồng từ xa cho phương tiện sử dụng đúng làn. Với trường hợp xe cố tình vi phạm nhiều lần để gây rối, cản trở, các nhà đầu tư có thể đề xuất lực lượng chức năng hỗ trợ giải quyết”, ông Thể nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, cả nước có 3,8 triệu ô tô các loại, trong đó nhiều xe ở tỉnh không có nhu cầu đi qua các trạm BOT, nên mục tiêu chỉ cần dán 2 – 2,5 triệu xe sử dụng ETC để đáp ứng nhu cầu.
“Trước đó, Bộ đã kiểm điểm trách nhiệm trước Chính phủ liên quan đến chậm triển khai thu phí tự động không dừng. Vì thế, từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu tiến độ lắp đặt theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Thể yêu cầu.
Sẽ xử phạt các xe đi sai làn ETC
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước đây mỗi ngày khoảng 1.000 xe dán thẻ E-tag, hiện nay do Covid-19 nên lượng xe dán thẻ còn khoảng 100 xe mỗi ngày. Tới nay đã đạt gần 1 triệu xe dán thẻ thu phí không dừng.
“Việc xử phạt các xe đi sai làn đã có quy định trong Nghị định 100, nhưng do dự án BOO2 chậm, nên dự kiến cuối năm sẽ bắt đầu tuyên truyền và xử phạt các xe đi sai làn”, ông Huyện nói, và khẳng định dứt điểm sau 31.12 sau khi hoàn tất lắp đặt ETC trên cả nước sẽ tiến hành xử phạt.
MAI HÀ
TNO