23/01/2025

Vắc xin COVID-19: Khó còn cửa cho các nước nghèo?

Vắc xin COVID-19: Khó còn cửa cho các nước nghèo?

Các hãng dược phẩm cam đoan đến cuối năm 2021 sẽ có sẵn 10 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19. Song các chuyên gia lo ngại số lượng vắc xin ít hơn nhiều. Nhà giàu gom hết, liệu nhà nghèo có vắc xin để dùng?

 

Vắc xin COVID-19: Khó còn cửa cho các nước nghèo? - Ảnh 1.

Các hãng dược cam đoan cung ứng đủ vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: AP

Kênh truyền hình France 24 (Pháp) ghi nhận tình trạng vắc xin ngừa COVID-19 hiện chưa sẵn sàng nhưng các phần dự trữ cho tương lai gần như hết sạch.

Theo tạp chí khoa học Nature ngày 24-8, chính quyền các nước Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã đặt hàng mua dự trữ hơn 2 tỉ liều vắc xin.

Mỹ đã chi khoảng 6 tỉ USD để bảo đảm có gần 1 tỉ liều trong 6 loại vắc xin tiềm năng nhất đang phát triển và thậm chí đặt hàng để có thể mua thêm 1 tỉ liều nữa.

Nếu so về dân số, Anh là quốc gia “chơi đẹp” nhất khi mua dự trữ 335 triệu liều, tức 5 liều trên mỗi đầu người. EU và Nhật đặt mua mỗi bên hàng trăm triệu liều.

Sản xuất được 10 tỉ liều hay chỉ 1 tỉ liều?

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Thomas Bollyky – giám đốc chương trình Sức khỏe toàn cầu thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) – nêu băn khoăn: “Những gì đang xảy ra (một nhóm quốc gia mua vắc xin bằng mọi giá) thật đáng lo ngại bởi năng lực sản xuất có hạn”.

Trong khi đó, các hãng dược phẩm lại rất lạc quan về khả năng cung ứng đủ vắc xin ngừa COVID-19.

Theo dự báo của các hãng, nếu hàng chục loại vắc xin đang được thử nghiệm trên người chứng minh hiệu quả, vào cuối năm 2021 sẽ có 10 tỉ liều.

Nhưng các chuyên gia lại cảnh báo ngược lại. Công ty Airfinity chuyên phân tích dữ liệu y tế ở Anh ước tính đến cuối năm 2021 sẽ không có nhiều hơn 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19.

Quỹ quốc tế Liên minh Đổi mới về chuẩn bị đối phó dịch bệnh (CEPI) có trụ sở ở Na Uy đánh giá các hãng dược phẩm chỉ có thể sản xuất từ 2-4 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 trước cuối năm 2021.

Vắc xin COVID-19: Khó còn cửa cho các nước nghèo? - Ảnh 2.

Liệu các nước nghèo khó, thiếu thốn ở châu Phi có đủ vắc xin ngừa COVID-19? – Ảnh: AFP

Lịch sử lặp lại

Nếu các nước giàu thu gom vắc xin ngừa COVID-19 và chẳng còn gì cho các nước đang phát triển thì chẳng có gì ngạc nhiên bởi điều này đã xảy ra trong các khủng hoảng y tế trước.

Năm 1996, phương pháp điều trị bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virus ARV được quảng bá rầm rộ. Rốt cuộc thuốc chỉ dành cho các nước phương Tây hơn 5 năm.

Tạp chí Science ngày 14-8 đã đăng bài viết nhắc lại trong dịch virus cúm A năm 2009, các nước công nghiệp phát triển ban đầu tuyên bố họ sẽ kiếm đủ vắc xin cho dân họ trước rồi mới cung ứng 10% kho dự trữ cho các quốc gia khác.

Michael Gerson – cố vấn cựu tổng thống George W. Bush – đã nhận xét trong bài viết đăng trên báo The Washington Post hôm 24-8: “Thật ra một thiếu niên Mỹ khỏe mạnh sống trong khu dân cư giàu có gần các cơ sở y tế hiện đại sẽ được ưu tiên tiêm chủng hơn một bác sĩ làm việc trong điều kiện bấp bênh ở một nước nghèo”.

Tạp chí Nature xác định cách tiếp cận vắc xin hiệu quả nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19 là điều trị trước tiên cho nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, kế đến là những người không được tiếp cận với các cơ sở y tế và những người có nguy cơ, cuối cùng mới đến số dân còn lại.

Vắc xin COVID-19: Khó còn cửa cho các nước nghèo? - Ảnh 4.

Trong dịch virus cúm A năm 2009, các nước công nghiệp phát triển tuyên bố kiếm đủ vắc xin cho dân họ trước rồi mới đến các nước khác – Ảnh: AFP

Ngoại giao vắc xin

WHO hợp tác với Liên minh Vắc xin (GAVI, do Quỹ Bill Gates tài trợ) đã đưa ra sáng kiến thiết lập một cơ chế đặc biệt gọi là COVAX (Tiếp cận vắc xin COVID-19) nhằm dự trữ 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo và thu nhập trung bình.

Song muốn COVAX hoạt động, các nước giàu phải góp tiền. Mỹ, Nga và Trung Quốc không quan tâm. Trong 172 quốc gia bày tỏ thái độ quan tâm, chưa có nước nào thực hiện cam kết huy động 18 tỉ USD mua vắc xin về phân phối.

Trả lời tạp chí Nature, chuyên gia Brook Baker ở Đại học Northeastern (Mỹ) khẳng định: “Nỗ lực thuyết phục các nước giàu hơn tham gia đã không thành công”.

Ông Thomas Bollyky lo ngại: “Một số quốc gia như Trung Quốc hoặc Mỹ có thể giữ số liều vắc xin họ cung cấp cho các nước khác để đổi lấy ưu ái hoặc ủng hộ ngoại giao”.

Ngoài chuyện ngoại giao vắc xin, vấn đề đào sâu bất bình đẳng kinh tế cũng sẽ xày ra.

Các nước nghèo chắc chắn thoát khỏi đại dịch lâu hơn và phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm hơn các nước công nghiệp phát triển.

Đây là kịch bản kinh tế đã được báo trước trong lúc các nước giàu hăm hở dự trữ kho vắc xin ngừa COVID-19 cho riêng mình.

HOÀNG DUY LONG
TTO