23/01/2025

TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ để khai thác tối đa tiềm năng giao thông thủy

TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ để khai thác tối đa tiềm năng giao thông thuỷ

Thông tin được nêu trong báo cáo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

 

TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ để khai thác tối đa tiềm năng giao thông thủy - Ảnh 1.

TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển giao thông, kinh tế đường thủy nhưng khai thác chưa hiệu quả – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa giai đoạn 2030 – 2050, tập trung đầu tư ba tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2), bốn tuyến từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hai tuyến vành đai.

Bên cạnh đó, TP cũng tập trung phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch. Hệ thống cảng, bến sẽ xây dựng theo quy hoạch, đồng thời hoàn chỉnh các cảng cạn ICD để tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, chế xuất… đến cảng biển.

Đến năm 2045, hệ thống kè bờ sông Sài Gòn cùng các sông, kênh nội thành cũng sẽ được đầu tư để cơ bản hoàn thành.

Riêng phát triển logistics, Sở GTVT TP đề xuất cần đồng bộ hạ tầng, tăng khả năng kết nối vận tải đa phương thức và thúc đẩy vận tải hàng hóa đường thủy, đường sắt – vốn đang quá hạn chế so với đường bộ. Hệ thống giao thông thủy kết nối vùng cũng được định hướng nâng cấp và hoàn thiện.

Giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ thông qua 5 tuyến chính gồm Sài Gòn – Thị Vải, Sài Gòn – Bến Súc, Sài Gòn – Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông), Sài Gòn – Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn – Hiếu Liêm (sông Đồng Nai).

Hướng về các tỉnh Tây Nam Bộ, từ TP.HCM sẽ thông qua các tuyến chính gồm Sài Gòn – Hà Tiên, Sài Gòn – Kiên Lương, Sài Gòn – Cà Mau, duyên hải Sài Gòn – Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang.

Với những tính toán đó, giai đoạn 2020 – 2050 TP cần hơn 21.000 tỉ đồng cho giao thông thủy. TP sẽ sử dụng khoảng 4.100 tỉ đồng đầu tư cho các dự án cảng, luồng tuyến. Đặc biệt, vốn cho duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy được tính khoảng 570 tỉ đồng mỗi năm, tức trong 30 năm cần 17.100 tỉ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, Sở GTVT TP đề xuất đa dạng các nguồn đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó sẽ xây dựng cơ chế cho thuê quỹ đất hành lang bờ sông, kênh, rạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy…

UBND TP.HCM cơ bản thống nhất đề xuất của Sở GTVT TP. TP cũng chỉ đạo đơn vị này tổng hợp, cập nhật quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy vào đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chung của thành phố giai đoạn 2020 – 2030.

TP.HCM có lợi thế và tiềm năng lớn về phát triển giao thông, kinh tế đường thủy nhưng chưa khai thác được tối đa hiệu quả do chưa được đầu tư đúng mức, các công trình nạo vét, cải tạo luồng lạch… còn hạn chế.

Sản lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách qua các năm có tăng nhưng cần phát triển hơn nữa.

ĐỨC PHÚ – THU DUNG
TTO