23/01/2025

Tên lửa Trung Quốc có ‘doạ’ được tàu Mỹ ở Biển Đông ?

Tên lửa Trung Quốc có ‘doạ’ được tàu Mỹ ở Biển Đông ?

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đưa ra thông cáo về việc Trung Quốc ngày 26.8 đã khai hỏa tên lửa đạn đạo về Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các chiến hạm tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân /// Ảnh: DOD
Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các chiến hạm tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân   ẢNH: DOD
Trong thông cáo, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả việc bắn tên lửa đạn đạo, xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông”. Qua đó, Washington cho rằng hành động của Bắc Kinh “phản tác dụng” trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định. “Các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc phóng tên lửa, càng gây thêm căng thẳng cho Biển Đông”, theo thông cáo của Lầu Năm Góc. Khuya 26.8, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc cùng ngày đã bắn 2 tên lửa đạn đạo chống hạm, gồm tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và Đông Phong 26 (DF-26), về Biển Đông. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắn đến 4 tên lửa đạn đạo đến Biển Đông trong những ngày gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Trung Quốc ngừng mọi hoạt động “đánh bắt phi pháp” ở vùng phụ cận quần đảo Galapagos (Ecuador). “Thông tin về việc hơn 300 tàu Trung Quốc ở gần Galapagos vô hiệu hóa hệ thống theo dõi, đổi tên tàu và để lại rác thải trên biển là điều rất đáng quan ngại. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa minh bạch và thực thi chính sách không khoan dung đối với đánh bắt trái phép”, ông Pompeo viết trên Twitter ngày 27.8.
Huỳnh Thiềm

Bên cạnh đó, liên quan vụ phóng thử tên lửa trên, Phó đô đốc Scott Conn, chỉ huy Hạm đội 3 của hải quân Mỹ, đã khẳng định sự hiện diện của hải quân của Mỹ ở khu vực vẫn vững mạnh. Ông cho biết Washington luôn theo dõi sát sao các cuộc tập trận do Trung Quốc tiến hành, sẵn sàng phản đối bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.

Trả lời Thanh Niên ngày 28.8, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Tên lửa đạn đạo chống hạm là một phần trong chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi tây Thái Bình Dương. Ước tính trong 2 ngày, Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo. Như thế, đây là bước tiến quan trọng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi A2/AD”. Và đó là phương tiện mà Bắc Kinh vẫn quảng bá là có thể bắn hạ tàu sân bay Mỹ”.

Nhật bán radar phòng không cho Philippines

Bộ Quốc phòng Philippines hôm qua xác nhận nước này gần đây đã ký hợp đồng trị giá 103,5 triệu USD để mua 3 hệ thống radar phòng không của Nhật Bản. Báo Philippine Daily Inquirer dẫn nội dung hợp đồng cho hay Tập đoàn Mitsubishi của Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 2 hệ thống radar phòng không cố định và một hệ thống radar phòng không di động từ năm 2022. Những hệ thống radar này có thể sẽ được lắp đặt ở những khu vực bao phủ phần phía nam của biển Tây Philippines, tên gọi vùng biển thuộc Biển Đông mà Manila tuyên bố có chủ quyền; một phần rộng lớn của bãi Philippine Rise; và khu vực phía nam của nước này.
Cùng ngày 28.8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm qua cho hay ông sẽ kêu gọi chính phủ chấm dứt thỏa thuận với các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách cấm vận của Mỹ do liên quan đến hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Minh Trung

“Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang muốn gửi thông điệp rằng nếu áp dụng quân sự là công cụ tốt nhất của Mỹ thì Bắc Kinh sẽ thắng”, cựu đại tá Schuster nói thêm. Tuy nhiên, từng trả lời Thanh Niên, ông cũng nhấn mạnh rằng muốn đánh chìm tàu thì trước hết tên lửa phải bắn trúng tàu chiến.

“Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh DF-21 hay DF-26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay. Để tác chiến hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều khí tài, từ máy bay hỗ trợ đến tàu chiến nhằm đảm bảo khả năng chỉ huy, kiểm soát, kết nối…”, ông Schuster phân tích.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cũng cho hay các tàu khu trục, tàu tuần dương trong nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hầu hết được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân.
NGÔ MINH TRÍ
TNO