23/12/2024

Phải để tư nhân tham gia đầu tư công

Phải để tư nhân tham gia đầu tư công

Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, đã đến lúc cần trao cơ hội cho các DN tư nhân tham gia các dự án đầu tư công bởi nhiều DN tư nhân lớn có đủ thực lực hoàn thành tốt các dự án.

 

Phải để tư nhân tham gia đầu tư công - Ảnh 1.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư – Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện “cởi trói” cho đầu tư công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Thiên nói: “Trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn và không có việc làm nhưng vốn đầu tư công vẫn còn thừa rất lớn và chậm được giải ngân, cho thấy có những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư công. Do đó, Chính phủ cần có chính sách đột phá, “cởi trói” cho đầu tư công để dòng vốn này sớm được đưa vào nền kinh tế”.

* Đến cuối tháng 8-2020, Bộ KH&ĐT ước tính số vốn đầu tư công được giải ngân chỉ mới đạt khoảng 47% kế hoạch mà Thủ tướng đã giao. Vì sao có nghịch lý tiền đầy kho nhưng không tiêu trong khi nền kinh tế đang cần tiền, thưa ông?

– Trong thời điểm DN đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn và thiếu việc làm, nguồn lực từ đầu tư nhà nước hết sức quan trọng, một cách để Chính phủ “bơm máu” cho nền kinh tế đang rất đuối sức. Nguồn vốn đầu tư công sẽ tiếp sức, thúc đẩy thị trường, giải quyết công ăn việc làm, bơm tiền ra để cho người ta làm, tạo ra sản phẩm, tạo ra thu nhập… nhằm giúp nền kinh tế khỏe hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế việc giải ngân vốn đầu tư thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Đây cũng là lý do mà Thủ tướng liên tục chủ trì nhiều hội nghị để thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là khâu thủ tục hành chính liên quan đến dự án – khâu giải ngân.

Thực tế cho thấy để giải ngân vốn đầu tư công phải trải qua nhiều thủ tục vô cùng phức tạp, nhất là thủ tục ở các bộ ngành. Mỗi khâu thủ tục phải qua rất nhiều cửa, rất nhiều thao tác, nhiều con dấu và nhiều quyết định, thậm chí là có những vấn đề phải đẩy lên cấp rất cao…

* Nhưng nhiều bộ ngành và địa phương đã trả lại hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công với lý do “không có nhu cầu”, thưa ông?

– Ngoài câu chuyện thủ tục, nghịch lý tiền đầy kho nhưng nền kinh tế, DN lại thiếu vốn, người lao động thiếu việc làm còn do những rào cản khác khiến người đứng đầu các bộ ngành và địa phương sợ rủi ro. Giải ngân bây giờ là cứu nền kinh tế, buộc phải bỏ qua một số quy trình, chấp nhận một số rủi ro.

Nếu cứ bó buộc là phải đầy đủ quy trình thủ tục như bình thường sẽ không mấy người dám làm. Hoàn cảnh đặc biệt, chính sách phải đặc biệt. Phải trao thẩm quyền và quy định rõ trách nhiệm để người có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định dựa trên đánh giá về hiệu quả.

Bên cạnh các dự án đầu tư công, cũng cần phải “cởi trói” thủ tục đầu tư, triển khai các dự án kinh tế lớn tại các DN có sử dụng vốn nhà nước. Do thủ tục phức tạp, không ít dự án chậm tiến độ, lãng phí thời gian, mất cơ hội, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả.

* Việc “cởi trói” cho đầu tư công, theo ông, có phải là điều chỉnh lại thể chế đầu tư công?

– Đúng vậy, với tình hình khó khăn, cấp bách như hiện nay, cần phải có những giải pháp rất nhanh, rất mạnh để tháo “nút thắt” thủ tục này. Đây là lúc để chúng ta thử nghiệm cải cách thể chế, làm sao bỏ bớt được một số khâu, tiết kiệm thời gian để nâng cao hiệu quả. Cần hành động quyết đoán để giải quyết việc này.

Phải sửa đổi các quy định, đổi mới thể chế đầu tư công để đưa mấy trăm ngàn tỉ đồng ấy từ kho bạc chảy vào nền kinh tế, giúp sức cho nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh việc giải ngân để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, các công trình cấp bách sẽ càng sớm phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, theo tôi, phải trao cơ hội cho các DN tư nhân tham gia các dự án đầu tư công bởi nhiều DN tư nhân lớn của VN có đủ thực lực hoàn thành tốt các dự án, tạo sự lan tỏa cho các DN tư nhân nhỏ hơn, hình thành chuỗi DN của VN.

* Thủ tướng cũng vừa giao các bộ, ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ lần thứ hai. Theo ông, chính sách lần này nên hướng đến đối tượng nào?

– VN đang làm gói giải pháp hỗ trợ về tài khóa khá tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, chính sách hỗ trợ nếu theo kiểu chia đều cho các DN sẽ không phát huy được hiệu quả hoặc hiệu quả không thể cao.

Do đó, nếu có chính sách “giải cứu”, phải lựa chọn DN để cứu, chỉ cứu những DN có nhiều khả năng đem lại hiệu quả cao, tạo được sự lan tỏa trong nền kinh tế và cho xã hội. Như vậy, phải chấp nhận có một số DN sẽ “hi sinh” để nền kinh tế “sống” được và sớm khỏe trở lại. Nói một cách khác, phải vì lợi ích dài hạn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu chỉ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng… như gói hỗ trợ lần 1 sẽ không đem lại nhiều tác dụng, bởi các DN đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này phải thực sự giúp những DN trụ cột, những DN có khả năng phát huy hiệu quả cao và sức lan tỏa cao… nhanh chóng phục hồi.

Phải để tư nhân tham gia đầu tư công - Ảnh 2.

Dự án chống ngập do triều cường và biến đổi khí hậu khu vực cầu Tân Thuận, quận 7, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

18 bộ ngành và địa phương trả lại hơn 6.300 tỉ đồng

Chiều 27-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Hùng – phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT – cho biết đã hoàn thành các thủ tục trả lại 1.808 tỉ đồng vốn đầu tư công vay nước ngoài do bộ này không có nhu cầu sử dụng trong năm nay.

Theo ông Hùng, Bộ NN&PTNT sẽ điều chuyển ngay số vốn này cho địa chỉ tiếp nhận sau khi có quyết định của Chính phủ. Đây là 1 trong 18 bộ ngành và địa phương xin trả lại vốn đầu tư công năm 2020 với số tiền hơn 6.338 tỉ đồng, trong đó vốn nước ngoài gần 6.000 tỉ đồng. Ngoài Bộ NN&PTNT (xin trả lại 1.808 tỉ đồng), Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN cũng xin trả lại 1.135 tỉ đồng…

L.THANH

Chỉ mới giải ngân được 47% vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 31-8, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 221.768 tỉ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Đến nay, các bộ ngành và địa phương đã có quyết định phân bổ vốn đầu tư năm 2020 với tổng số vốn giao cho các dự án đủ điều kiện giải ngân là 455.491 tỉ đồng, đạt hơn 95,4% kế hoạch. Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

L.THANH

LÊ THANH – LÊ KIÊN thực hiện
TTO