Nghịch lý xét tuyển vào đại học: Nguy cơ thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển
Nghịch lý xét tuyển vào đại học: Nguy cơ thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển
Nhiều học sinh giỏi những trường tốp đầu của TP.HCM ngậm ngùi không trúng tuyển bằng điểm học bạ các trường đại học hàng đầu và cũng không hy vọng được xét tuyển vào các đại học này bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đây phải chăng là một nghịch lý trong tuyển sinh đại học năm nay?
Học sinh trường THPT tốp đầu chịu thiệt?
Quân, một học sinh của một trong những trường THPT thuộc tốp đầu TP.HCM, tâm sự: ”Trường mình điểm học bạ không được cao so với những trường khác, đề thi khá khó và giáo viên cho điểm không thoáng, nếu không muốn nói là gắt. Vì thế mình đã không đậu được vào trường đại học mà mình thích trong đợt ưu tiên xét tuyển vừa qua”.
Quân cho biết đã rất chăm chút vào bài luận, có bằng ngôn ngữ quốc tế và tham gia nhiều hoạt động, dự án xã hội liên quan đến ngành nghề vì tưởng trường sẽ xét đồng thời nhiều tiêu chí chứ không chỉ nhìn vào học bạ.
Vỹ, học sinh lớp 12 ở một trường tốp đầu tại quận 1, TP.HCM, cho biết học kỳ 1 năm nay lớp chỉ có đúng 2 người được học sinh giỏi do môn toán gặp phải giáo viên “ai cũng biết tiếng” nên Vỹ đã phải ngậm ngùi bỏ qua đợt xét học bạ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do không đủ 5 học kỳ học sinh giỏi.
Đây chỉ là vài trong rất nhiều trường hợp học sinh khá giỏi do học ở trường THPT tốp đầu, giáo viên cho điểm gắt nên có điểm học bạ chỉ bằng, hoặc thậm chí thấp hơn những học sinh trung bình của những trường khác.
|
Điểm thi tốt nghiệp THPT cao cũng chưa chắc
Những thí sinh này nỗ lực hết sức, trông chờ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tưởng chừng những nỗ lực của bản thân cũng được đền đáp. Nhưng năm nay đề thi dễ hơn mọi năm nhiều, số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn trong các tổ hợp xét tuyển trên 24 điểm nhiều không kể xiết. Đề thi dễ, mức độ phân hóa không cao, ví dụ như ở môn toán, chỉ có một vài câu chặn điểm, dẫn đến những thí sinh trung bình khá vẫn làm được gần hết.
Thế là những thí sinh chưa có “bến đỗ” ở đợt xét học bạ vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” cân não trong việc đặt nguyện vọng sao cho hợp lý nhất khi điểm các bạn xung quanh ai cũng cao.
Theo phổ điểm, thống kê và so sánh điểm thi qua các năm, điểm chuẩn các trường đại học chắc chắn sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở các trường tốp đầu bởi chỉ tiêu dành cho xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, dành ưu tiên cho những phương thức khác nhiều hơn.
|
Nên thay đổi ra sao để trường đại học chọn đúng người?
Thực tế hiện nay khiến những trường THPT nào cho điểm gắt sẽ khiến học sinh thiệt thòi. Lẽ ra điều này nên được xem trọng vì trường muốn xác định được trình độ tiếp thu của học sinh một cách chính xác nhất, sao cho cả học sinh lẫn giáo viên đều không bị “ảo tưởng” bởi năng lực thật sự của học sinh. Từ đó giáo viên có thể đưa ra cho học sinh các phương pháp học tập phù hợp, học sinh cũng không chủ quan bởi kết quả học tập, nỗ lực nhiều hơn trong các kỳ thi. Tuy nhiên, các trường đại học thì chỉ cần những điểm số trong học bạ.
Để giải quyết tình trạng này, để công bằng với học sinh các trường tốp đầu, các trường đại học có thể đưa ra một số phương án như xét học bạ theo thứ tự từ trên xuống trong danh sách các trường THPT có đầu ra cao nhất cả nước hay kết hợp với những tiêu chí phụ, xét song song những yêu cầu khác như bài luận, thư giới thiệu đi kèm…
Những năm tiếp theo trong tương lai, khi đất nước đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, các trường đại học cần có những điều chỉnh, thắt chặt hơn trong xét tuyển. Đặc biệt với phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ, cần thực hiện sao cho đảm bảo tính công bằng, cũng như đạt được hiệu quả cao nhất trong việc chọn lọc học sinh phù hợp với ngành nghề, tránh bỏ sót những “hạt giống” thật sự thích hợp.
HOÀNG MY
TNO