23/01/2025

Điểm thi ‘vênh’ với điểm học bạ: Cần điều chỉnh dạy học, đánh giá học sinh

Điểm thi ‘vênh’ với điểm học bạ: Cần điều chỉnh dạy học, đánh giá học sinh

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của thí sinh. Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Yên là những tỉnh có chênh lệch lớn nhất. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT nói gì về điều này?

 

Điểm thi vênh với điểm học bạ: Cần điều chỉnh dạy học, đánh giá học sinh - Ảnh 1.

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Nghệ An – Ảnh: DOÃN HÒA

Theo kết quả đối sánh, Nghệ An là tỉnh có chênh lệch lớn nhất: điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh cao hơn điểm trung bình các môn thi 1,7 điểm. Tiếp đó là Quảng Ninh (1,69), Phú Yên (1,67), Hà Giang (1,65), Hà Nội (1,47)… Có 46 tỉnh, thành có mức chênh lệch từ 1,0 đến 1,7.

Nghệ An: đánh giá học bạ phải thực chất

Trước việc chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ cao nhất nước, ông Thái Văn Thành – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An – nhìn nhận: “Nếu điểm thi trung bình tốt nghiệp của thí sinh cao hơn điểm trung bình học bạ mới có bất thường, cần phải xem xét lại. Nhưng ở đây điểm học bạ cao hơn điểm trung bình tốt nghiệp 1,7 điểm.

Các cán bộ coi thi, chấm thi đã làm việc rất nghiêm túc, khách quan. Việc chênh lệch điểm thi thấp hơn học bạ có thể do quá trình dạy học, thầy cô cho điểm học sinh có phần linh động hơn để động viên các em có động lực tiếp tục cố gắng”.

Về giải pháp giảm chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi trong những năm học tới, ông Thành cho hay sở sẽ chỉ đạo, quán triệt các trường tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá điểm thi, học bạ học sinh trong trường học sát với thực tế, đáp ứng việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Không có chuyện làm “đẹp” học bạ

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Cường – giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên – với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 28-8. “Không bao giờ có việc Phú Yên nâng điểm cho học sinh lớp 12 để làm ‘đẹp’ học bạ. Từ lâu nay chúng tôi đã quán triệt phải dạy thật, học thật, điểm thật. Giáo dục Phú Yên không chạy theo thành tích”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhưng nếu như vậy thì tại sao điểm thi của học sinh Phú Yên năm nay lại thấp hơn điểm bình quân trong học bạ lớp 12 của học sinh theo đối sánh của Bộ

GD-ĐT? Ông Cường nói chưa nghiên cứu kỹ kết quả đối sánh của bộ, nhưng nhận định ban đầu của sở khi chấm thi xong là năm nay điểm thi của học sinh Phú Yên cao hơn những năm gần đây.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Bảo Toàn – phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) – nói chênh lệch giữa điểm lớp 12 trong học bạ và điểm thi của học sinh Phú Yên không quá cao để đặt dấu hỏi cho việc giáo viên hay trường học dễ dãi nâng điểm học sinh hoặc có vấn đề tiêu cực.

“Tôi chỉ nói trong phạm vi trường tôi là ban giám hiệu rất cương quyết trong chỉ đạo việc đánh giá, chấm điểm cho học sinh phải đúng với năng lực thực sự của các em. Còn chênh nhau điểm bình quân 1-2 điểm giữa khi học và khi thi thì tôi nghĩ chấp nhận được, có thể coi là bình thường”, ông Toàn nói.

Chấn chỉnh việc đánh giá xếp loại học tập

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thúy – giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh – cho biết sở đang kiểm tra và xem lại phổ điểm. Theo bà Thúy, Quảng Ninh có đặc thù khác với nhiều địa phương khác, đó là tỉ lệ học sinh ngoài công lập ở bậc THPT rất cao (trên 30%, gần như cao nhất cả nước), dẫn tới ảnh hưởng đến phổ điểm chung.

“Khối giáo dục thường xuyên, trường tư thục thường có sự linh động hơn cho các học sinh, nhưng cũng phải nói việc đối sánh điểm năm nay mới chỉ đánh giá điểm của học sinh trong lớp 12 và đề thi năm nay cũng chỉ nằm trong lớp 12 thì chưa phải là toàn diện để đánh giá”, bà Thúy nhận định.

Bà Thúy cho rằng đây cũng chính là bài toán mà Bộ GD-ĐT đưa ra để các địa phương nhìn thấy giữa việc chỉ đạo dạy và học với việc thi ra sao, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

“Thời gian tới chắc chắn chúng tôi sẽ có sự chấn chỉnh, tập trung yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác đánh giá việc dạy và học của học sinh phải sát với thực lực”, bà Thúy nhấn mạnh.

Nêu nhận định về sự chênh lệch giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi của thí sinh tại Hải Phòng vừa qua, ông Vũ Văn Trà – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng – cho rằng việc thi và đánh giá xếp loại học lực học sinh vốn là hai lĩnh vực có sự khác biệt.

Việc đánh giá kết quả học lực của học sinh trong quá trình học là công việc của giáo viên, trong quá trình đánh giá có thể sẽ có những “động viên” học sinh hơn một chút so với việc phải dùng kích thước chung.

Ông Trà cho biết tại cuộc họp giữa lãnh đạo sở với các trường trong ngày 28-8 để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo sở đã đề nghị các trường phải xem lại vấn đề này để có sự chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT): Chưa phát hiện bất thường

Về sơ bộ, đến thời điểm này (ngày 27-8) thấy độ tương thích chung trong dữ liệu của các địa phương tương đối tốt. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vênh nhau. Có tỉnh xuất hiện tình trạng vênh nhiều, có tỉnh vênh ít hơn. Nhưng ở bình diện chung vẫn chấp nhận được.

Có thể dự đoán ở một số địa phương thầy cô giáo có xu hướng rộng tay một chút trong cho điểm học sinh lớp 12. Dĩ nhiên việc này là không nên, nhưng vì chưa tới mức bất thường phải xử lý.

Ngoài việc phát hiện những điểm bất thường để truy ngược lại việc dạy học, tổ chức thi cử ở địa phương, kết quả đối sánh cũng để các địa phương nhìn thấy sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ để điều chỉnh việc dạy học, đánh giá học sinh theo đúng ma trận đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn.

Việc đối sánh cũng giúp ngành GD-ĐT có dữ liệu đánh giá kết quả giáo dục phổ thông, điều chỉnh các quy định, chính sách cần thiết để nâng chất lượng giáo dục.

VĨNH HÀ ghi

DOÃN HÒA – DUY THANH – TIẾN THẮNG
TTO