Đầu tư lấy quốc tịch ngoại âm thầm nóng: Rủi ro chuyển tiền lậu
Đầu tư lấy quốc tịch ngoại âm thầm nóng: Rủi ro chuyển tiền lậu
Việt Nam không cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản định cư nên chuyển hàng chục tỉ hay cả trăm tỉ đồng ra nước ngoài đều là chuyển lậu.
“Chảy” theo nhiều cách
Do việc chuyển tiền từ Việt Nam sang nước ngoài đều là chuyển lậu nên hầu hết công ty tư vấn tỏ ra hết sức thận trọng khi nói về vấn đề này. Chỉ sau khi đã ký hợp đồng tư vấn, đóng phí từ 10.000 – 20.000 USD thì nhà đầu tư mới được chỉ dẫn những bước tiếp theo.
Anh Thanh (Q.7, TP.HCM), người đã chi 380.000 euro thực hiện hồ sơ đầu tư bất động sản (BĐS) vào Bồ Đào Nha, kể vợ chồng anh được tư vấn sang Bồ Đào Nha du lịch. Sang đó anh được tiếp xúc với luật sư ở nước sở tại để hướng dẫn mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng của Bồ Đào Nha.
Sau đó, tài khoản của vợ anh ở một ngân hàng trong nước chuyển tiền sang tài khoản ở Bồ Đào Nha với mục đích chuyển tiền cho anh chi tiêu du lịch. Liên tục sau đó con cái, bố mẹ anh và bố mẹ vợ cũng chuyển tiền sang đúng hạn mức được cho phép. Mặc dù không nói rõ hạn mức một người thân được phép chuyển cho anh là bao nhiêu nhưng anh Thanh cho hay tổng cộng đợt đầu tiên anh đã có thể chuyển được lên hơn 200.000 euro (tương đương hơn 5,6 tỉ đồng), phí chuyển chưa đến 2.000 euro.
Chỉ trong vòng 24 giờ sau, anh Thanh đã nhìn thấy số tiền báo có tại tài khoản của mình ở Bồ Đào Nha. Trước đó, anh đã làm giấy ủy quyền để luật sư thực hiện việc chuyển tiền hoàn tất giao dịch mua BĐS. Những khoản tiền còn lại được chia thành nhiều đợt tùy theo tiến độ hồ sơ.
Anh Ngọc (Q.Tân Phú, TP.HCM), người đã thực hiện chương trình đầu tư EB-5 đi Mỹ, thì cho biết việc chuyển tiền của mình được phía tư vấn thực hiện dưới hình thức ký hợp đồng xuất khẩu của một doanh nghiệp trong nước có đối tác ở Mỹ và anh Ngọc trong vai là người bán hàng. Đối tác ở Mỹ sẽ thanh toán vào tài khoản của doanh nghiệp chủ dự án đầu tư số tiền 900.000 USD. Mọi thủ tục nộp tiền, thanh toán đều được thực hiện qua một đơn vị trung gian ở VN nhưng anh Ngọc sẽ là người trả phí thanh toán 2%, tương đương 18.000 USD.
Đề cập đến chuyện chuyển tiền ra nước ngoài xin thẻ cư trú tại Hungary, ông Hưng (Q.2, TP.HCM) cho biết: “Thủ tục khá dễ dàng, gần như không có khó khăn gì vì tôi chuyển tiền cho công ty trong nước và họ tự xử lý miễn sao tiền vào tài khoản của tôi mở tại ngân hàng nước sở tại”. Theo quy định thẻ cư trú Hungary, gia đình ông Hưng mua một căn hộ tại Hungary trị giá 225.000 euro (khoảng 6,3 tỉ đồng).
Số tiền này ông Hưng chuyển theo yêu cầu của công ty tư vấn định cư trong nước vào tài khoản ngân hàng trong nước, ngay tức thì tài khoản ở nước ngoài báo tiền về. Ông Hưng cho biết: “Không biết công ty tư vấn họ làm cách nào nhưng theo tôi được biết cộng đồng người Việt bên châu Âu cũng nhiều, sau khi họ nhận tiền tại Việt Nam thì phía bên nước ngoài sẽ chuyển vào tài khoản của tôi bên đó. Ngân hàng bên đó không yêu cầu chứng minh nguồn tiền nên tôi cũng không phải cung cấp giấy tờ gì”, ông Hưng cho hay.
“Lách” qua cho, tặng, hợp đồng kinh tế
Theo ông Đặng Quang Vinh, Giám đốc Công ty định cư Khai Phú (TP.HCM), khi thực hiện hồ sơ đầu tư ra các nước có thể chuyển tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có cả nguồn tiền được chuyển từ người nhà, người quen, đơn vị trung gian từ một nước khác ngoài Việt Nam sang nơi đầu tư.
Riêng với nguồn tiền đang có ở Việt Nam để chuyển ra nước ngoài hiện nay thường được chuyển thông qua hình thức cho, tặng với người thân ở nước ngoài. Hiện Việt Nam không quy định hạn mức tối đa khi cho, tặng với người thân ở nước ngoài nên số tiền được chuyển đi có thể đáp ứng đủ số tiền mua BĐS.
Riêng hình thức chuyển tiền qua dạng hợp đồng xuất nhập khẩu vì được chuyển qua nhiều công ty trung gian, sẽ có rủi ro vì khó chứng minh nguồn gốc, có thể bị nước sở tại không chấp nhận. Khi đó, dù chưa đạt được mục đích lấy quốc tịch ngoại thì nhà đầu tư vẫn phải chịu phí tư vấn, phí luật sư và có thể mất từ 50.000 – 60.000 USD tùy thuộc vào nội dung hợp đồng tư vấn đã ký kết với thỏa thuận trả phí từng giai đoạn…
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho biết có rất nhiều hình thức để “lách” chuyển tiền ra nước ngoài như qua thị trường “chợ đen”, những công ty chuyển tiền không chính thức bằng nghiệp vụ “bù trừ”, thực tế tiền không ra khỏi Việt Nam, người nhận tiền trong nước thông báo cho “chân rết” ở nước ngoài để chuyển vào tài khoản bên kia. Còn việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng cho mục đích mua nhà để lấy suất định cư nước ngoài thì hầu hết không có ngân hàng nào làm.
Thế nhưng có thể “lách” dưới dạng hợp đồng kinh tế, dùng chứng từ giả hoặc khai khống giá trị để hợp thức việc chuyển tiền. Trường hợp chuyển theo hình thức này, muốn chuyển vài trăm đến triệu USD gì cũng hợp thức được. Ngoài ra, còn một số cách khác như qua thẻ quốc tế, chuyển tiền online, sử dụng tiền ảo…
Cần quy định kiểm soát dòng tiền
Theo ông Trương Thanh Đức, tình trạng sử dụng tiền mặt không kiểm soát ở Việt Nam hiện nay góp phần cho dòng tiền lớn chảy ra nước ngoài mua BĐS. Cách đây 5 – 6 năm, có đưa ra dự thảo lấy ý kiến kiểm soát dòng tiền trong giao dịch tài sản (BĐS, ô tô…) nhưng sau đó không được ban hành nên một cá nhân mang hàng chục, trăm tỉ đồng mua BĐS trong nước cũng không cần kiểm tra dòng tiền từ đâu có.
Muốn ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài bất hợp pháp cần có những quy định về việc kiểm soát dòng tiền trong nước, đây cũng là cách chống tham nhũng hiệu quả nhất và cần làm để có thể truy xuất được dòng tiền từ cho, tặng, đầu tư, lương, bổng…
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO